KINH TẾ- XÃ HỘI & NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 4 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

05/06/2020

Tại phiên họp về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Kinh tế đã báo cáo về những vấn để nổi lên về tình hình KTXH và NSNN 4 tháng đầu năm 2020.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo trước Quốc hội về những vấn để nổi lên về tình hình KTXH và NSNN 4 tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng thiết yếu.

Về thu ngân sách Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế.

Liên quan đến đầu tư công, Ủy ban Kinh tế cho biết, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Về xuất khẩu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học và đề nghị đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy, học tập trực tuyến; làm rõ việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh học trực tuyến; làm rõ khó khăn của cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là cấp mầm non; phương thức lựa chọn và giá sách giáo khoa mới.

Về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, dông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với đại dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là nội dung cấp bách cần được quan tâm phản ánh đầy đủ và có giải pháp hiệu quả hơn.

Liên quan đến hoạt động đối ngoại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ đối ngoại trên thế giới và việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức các sự kiện quốc tế. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị Chính phủ báo cáo về kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập. Tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Xảy ra một số vụ án giết người nghiêm trọng, lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội, ứng dụng di động để cho vay nặng lãi, lừa đảo, trục lợi... Một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội./.

Thu Phương