LÀM RÕ, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ DOANH NGHIỆP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

05/06/2020

Thẩm tra Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị làm rõ, bổ sung một số nội dung về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh báo cáo một số nội dung

Đối với một số nội dung về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội có ý kiến sau:

Về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã có nhiều thay đổi so với Luật hiện hành. Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo giải trình việc sửa đổi, bổ sung các nội dung sau: Việc thay đổi thuật ngữ từ “vốn pháp định” sang “vốn chủ sở hữu” trong khi Luật Doanh nghiệp đã bỏ thuật ngữ “vốn pháp định” chỉ sử dụng “vốn điều lệ”? Việc quy định không cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này? có ý kiến trong Ủy ban cho rằng, vcó thể dẫn đến việc hạn chế chuyên nghiệp hóa lĩnh vực tuyển dụng; Căn cứ để sửa đổi quy định người đại diện theo pháp luật có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 03 năm lên 05 năm? Có ý kiến đề nghị giữ nguyên điều kiện về kinh nghiệm của người đại diện theo pháp luật để bảo đảm bình đẳng với các đơn vị sự nghiệp công lập và Việc bổ sung quy định điều kiện về “nhân viên nghiệp vụ”, nhưng không rõ các tiêu chuẩn căn bản để xác định, đánh giá nhân viên nghiệp vụ?.

Về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, theo Báo cáo đánh giá tác động chính sách, việc sửa đổi quy định Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn thành có thời hạn 05 năm là cần thiết để thuận lợi trong việc quản lý nhà nước, bảo đảm đánh giá năng lực của doanh nghiệp dịch vụ và góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, Ủy ban thấy rằng, việc thay đổi thời hạn sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc Dự thảo bổ sung quy định bắt buộc doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động… đã bảo đảm được tính chặt chẽ trong hoạt động quản lý.

Do đó, Ủy ban đề nghị cân nhắc kỹ về quy định này, không nên tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp, mà cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời cần nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định “hậu kiểm” phù hợp.

Về giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp dịch vụ, có ý kiến thẩm tra cho rằng, việc giữ quy định “doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc” được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong khi dự thảo Luật đã bổ sung thêm các điều kiện mà đơn vị phụ thuộc phải đáp ứng thì mới được hoạt động dịch vụ.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban đồng tình với việc kế thừa quy định hiện hành do đây là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động đi làm việc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, khi những hạn chế trong công tác quản lý của doanh nghiệp đối với các chi nhánh có nguyên nhân từ việc quy định điều kiện chi nhánh hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực này  thiếu chặt chẽ, thì việc bổ sung như Dự thảo là cần thiết. Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khi đơn vị phụ thuộc hoạt động sai chức năng và vi phạm pháp luật.

Về chuẩn bị nguồn lao động, Ủy ban tán thành việc bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dịch vụ và mở cơ chế cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, tránh lãng phí và tận dụng được cơ sở vật chất, khả năng cung ứng của các cơ sở này.

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo làm rõ, bổ sung quy định cụ thể về: Trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khi chuẩn bị nguồn lao động; Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội; Công cụ để theo dõi, quản lý hoạt động tạo nguồn lao động và Cơ chế báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong trường hợp hợp tác, liên kết và quy định về việc thu phí.

Ngoài ra, về đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động, quy định về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đã giảm thời hạn giải quyết hiện hành từ 10 ngày xuống 06 ngày làm việc. Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban Soạn thảo cân nhắc việc có nên tiếp tục duy trì quy định này; nghiên cứu chuyển từ cơ chế đăng ký sang chế độ báo cáo và tăng cường công tác hậu kiểm./.

Hồ Hương