BÁO CÁO TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DẠY VÀ HỌC TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

05/06/2020

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo số 272/BC-CP gửi đến Quốc hội về tình hình hoạt động dạy và học trong đại dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trong trường học; phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học năm 2020.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Thực hiện phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”

Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Với quan điểm là luôn đặt sự an toàn của học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành lên trên hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục về công tác phòng, chống dịch bệnh; điều chỉnh chương trình, hướng dẫn dạy học cho phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh Covid-19; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh tại các thời điểm.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mời các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm tiến hành rà soát, tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 nhằm bảo đảm kiến thức cơ bản thuộc chương trình học kỳ II để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu của chương trình nhằm giúp giáo viên, học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thành chương trình năm học do phải thay đổi lịch học trong thời kỳ dịch bệnh; đảm bảo phương châm "học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học", thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học” và hướng dẫn các địa phương để thực hiện thống nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, ban hành hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục vừa tổ chức dạy học vừa đảm bảo phòng chống dịch cho học sinh và giáo viên; đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng của chương trình áp dụng cho học kỳ II năm học 2019 – 2020; kịp thời ban hành hướng dẫn tinh giản Chương trình giáo dục phổ thông học kì II năm học 2019 - 2020 để các địa phương kịp thời triển khai.

Để đảm bảo an toàn trong quá trình giảng dạy và học tập qua Internet, tránh tình trạng lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm (cơ sở đào tạo) tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet; hướng dẫn các tỉnh, thành phố công tác tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh sinh viên và cha mẹ học sinh sinh viên trong dạy học qua Internet.

Cơ bản giữ ổn định trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020

Một trong những nội dung được cử tri quan tâm nhất là các bậc cha mẹ và các em học sinh là phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Về vấn đề này, Chính phủ đã thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình. Theo đó, Kỳ thi được tổ chức trong 02 ngày (ngày 09 và ngày 10 tháng 8 năm 2020) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Kỳ thi về cơ bản được giữ ổn định như năm 2019 nên tạo sự yên tâm cho thí sinh, phụ huynh và xã hội, nhưng đồng thời bảo đảm theo quy định của Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, phù hợp bối cảnh và tác động của dịch covid-19 đối với việc dạy và học của học sinh lớp 12 năm học 2019 - 2020.

Nội dung thi (đề thi) với 5 bài thi (bài thi độc lập Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, mỗi đối tượng dự thi khác nhau sẽ chọn bài thi thích hợp để dự thi theo Quy chế thi của Bộ GDĐT) được giữ như năm trước, bảo đảm các yêu cầu, mục tiêu của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các đề thi tham khảo giúp thí sinh yên tâm vì đề thi bám sát nội dung chương trình được tinh giản, đồng thời có sự phân hoá đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và bảo đảm cơ hội cho các thí sinh thể hiện đúng năng lực, nỗ lực học tập khi có nguyện vọng tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ thi ở địa phương, tổ chức coi thi, chấm thi nghiêm túc, trung thực. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức Kỳ thi tại địa phương đảm bảo “an toàn, nghiêm túc và thành công”.

Về tổ chức xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy chế tuyển sinh theo hướng tăng cường tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học, bảo đảm việc tuyển sinh một cách trung thực, khách quan, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh, gia đình và xã hội. Về cơ bản, việc tổ chức xét tuyển đại học năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019, trong đó hầu hết các trường (chỉ trừ nhóm trường nghệ thuật, mỹ thuật) sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để làm căn cứ xét tuyển sinh.

Chính phủ khẳng định phương thức tuyển sinh giai đoạn từ năm 2015 đến 2020 đã thể hiện tính khoa học, hợp lý, bảo đảm khách quan, công bằng đối với thí sinh và các trường; thực hiện được mục tiêu đổi mới công tác thi, tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW; được xã hội, thí sinh và các trường đánh giá tốt.

Trong giai đoạn mới 2021 - 2025, sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh áp dụng cho giai đoạn mới theo hướng tự chủ tuyển sinh tối đa dành cho các cơ sở đào tạo, thực hiện theo các định hướng của quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên./.

Bảo Yến