CÔNG TÁC XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG AN TOÀN TRONG PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM VẪN CÒN MỘT SỐ HẠN CHẾ

29/04/2020

Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chỉ ra rằng công tác xây dựng môi trường gia đình và nhà trường an toàn, lành mạnh để phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn một số hạn chế.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo một số nội dung

Đoàn Giám sát cho biết, trong xây dựng môi trường gia đình, Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh nhằm phòng chống bạo lực gia đình và các hình thức xâm hại khác đối với trẻ em. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em với việc thực hiện công tác gia đình. UBND các cấp triển khai xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác gia đình tại địa phương. Các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác gia đình, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác gia đình hằng năm, triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; gắn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em ở địa phương. 

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, môi trường gia đình vốn được coi là an toàn nhất với trẻ em, nhưng thời gian qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình, nhất là bạo lực trẻ em do chính ông bà, cha mẹ, người thân thích thực hiện. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích khác chiếm tỷ lệ cao như: Tỉnh Hà Tĩnh 67,6%, thành phố Hà Nội 51,9%, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu 33%... Theo thống kê của Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 (trên cơ sở các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88% tổng số các vụ bạo lực trẻ em. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp người thân trong gia đình biết các em bị xâm hại nhưng vì nhiều lý do đã không tố giác, vô tình đã tiếp tay cho hành vi xâm hại trẻ em trong một thời gian dài với những hậu quả nghiêm trọng.

Đối với nhiều vùng kinh tế khó khăn, các bậc phụ huynh lo làm ăn kinh tế nên chưa coi trọng việc chăm sóc, bảo vệ, phòng tránh xâm hại cho trẻ em. Nhiều trường hợp đi làm ăn xa nhà, thiếu sự quan tâm tới trẻ em, thậm chí do mẹ đi làm ăn xa để con ở nhà với bố đẻ, bố dượng, ông bà, người thân… dẫn tới nhiều trường hợp các em bị chính những người thân của mình xâm hại. Việc phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước còn chưa hợp lý, trẻ em luôn gắn với gia đình, song công tác quản lý nhà nước về trẻ em lại giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện, công tác quản lý nhà nước về gia đình lại giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, vì thế dẫn tới thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện 02 mảng công tác này.

Trong xây dựng môi trường nhà trường, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em thời gian qua được quan tâm, chú trọng. Trên cơ sở Nghị định của Chính phủ , Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà trường tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em vào các hoạt động giáo dục; đồng thời tăng cường giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống bạo lực trẻ em cho học sinh và cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục; rà soát các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống xâm hại học sinh. Hầu hết các trường học đều quan tâm công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh; xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua trong nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động thể chất, ngoại khóa, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống; hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao phù hợp với độ tuổi của người học; tổ chức phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng ngừa bạo lực học đường.  Công tác tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong trường học được quan tâm thực hiện tốt hơn giai đoạn trước. Các hoạt động, mô hình để trẻ em được trình bày ý kiến, nguyện vọng hoặc phản ánh những việc chưa tốt, phòng chống bạo lực, xâm hại trong nhà trường được duy trì tại một số địa phương có hiệu quả tích cực nhất định. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với nhau, thậm chí có vụ nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người; một số vụ xâm hại tình dục học sinh xảy ra tại cơ sở giáo dục. Qua số liệu của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (trên cơ sở các cuộc gọi đến) trong giai đoạn này, thì số trẻ em bị bạo lực trong cơ sở giáo dục chiếm 19,09% tổng số trẻ em bị bạo lực (trong đó bị giáo viên bạo lực 14,89%, bị bạn bè bạo lực 4,2%).

Bên cạnh đó vẫn xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong xã hội do giáo viên sử dụng các biện pháp bạo hành đi ngược lại với đạo đức xã hội, đạo đức nhà giáo; có những vụ nhiều học sinh đánh một học sinh, quay video clip rồi đưa lên mạng xã hội. Còn có trường hợp thầy giáo, nhân viên cơ sở giáo dục xâm hại tình dục học sinh, thậm chí đối với cả học sinh nam, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, báo động sự mất an toàn trong một số trường học. Nhiều trường học chưa tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa để học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh bị xâm hại.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt tại một số trường học, nhất là trường dân tộc nội trú chưa được đảm bảo (một số nơi trường mầm non chung cơ sở vật chất với trường phổ thông; nhà tắm của các học sinh nữ ở trường nội trú chung với nhà vệ sinh đã xuống cấp và không được ngăn chia khu vực chắc chắn; nhà của người dân ở lẫn trong khuôn viên nhà trường, chưa bảo đảm an ninh, an toàn trường học…).

Nhiều hoạt động nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ em như tư vấn tâm lý học đường, duy trì các hòm thư “Điều em muốn nói”, các hoạt động khích lệ các em phản ánh những hành vi bạo lực, xâm hại trong nhà trường.... chưa được tổ chức nền nếp, một số nơi còn mang tính hình thức nên chưa thực sự hiệu quả.

Đoàn Giám sát cũng chỉ ra rằng, tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa chặt chẽ, dẫn tới có trường hợp không nắm được vụ việc trẻ em bị xâm hại ngoài nhà trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận một số nội dung

Tại Phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhận xét của Đoàn giám sát rằng công tác xây dựng môi trường gia đình và nhà trường an toàn, lành mạnh để phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng; tình trạng này diễn ra ở rất nhiều khu vực, rất nhiều nơi ngay cả nơi chúng ta gọi là bình yên nhất đối với trẻ em, đó là gia đình, trường học, Trung tâm bảo trợ trẻ em. Cần có các biện pháp kịp thời để khắc phục vấn đề nhức nhối này. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp; giao Đoàn Giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương

Các bài viết khác