Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Cơ quan trình các dự án luật có nhiều cố gắng bảo đảm tiến độ theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Đồng thời, đánh giá cao Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực, chủ động và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Quốc hội để thẩm tra các dự án luật khá toàn diện, thẳng thắn, rõ ràng về quan điểm. Hồ sơ các dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Đề nghị cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định. Các Ủy ban chủ trì thẩm tra tiến hành thẩm tra theo quy định. Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan lưu ý một số nội dung cụ thể.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, phạm vi điều chỉnh là nâng cấp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 thành dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Do đây là dự án Luật có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan với nhiều luật khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cơ quan trình tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật như: Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Xử lý vi phạm hành chính (trong đó có các luật đang được trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung) và các đạo luật khác có liên quan. Không thể hiện lại những quy định mà các luật đã có và vẫn còn phù hợp.
Tiếp tục rà soát các cam kết quốc tế về môi trường tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP, EVFTA v.v… để tạo hành lang pháp lý phát triển đất nước phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu trong nước, tránh xung đột pháp luật. Đồng thời, cần đánh giá sâu, kỹ lưỡng hơn những tác động của 13 nhóm chính sách liên quan đến kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách trên cơ sở tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý các khái niệm, giải thích từ ngữ cần rõ ràng, dễ hiểu, nhất là khái niệm mới liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Quy định liên quan đến quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường phải bảo đảm chặt chẽ, tránh tăng thêm thủ tục hành chính. Chú trọng quy định về phân công, phân cấp quản lý, chế tài xử lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường… để không mâu thuẫn, chồng chéo.
Về các công cụ quản lý, kinh tế và công cụ để tạo nguồn lực cho bảo vệ môi trường, cần chú ý các vấn đề đã được đưa ra trong dự án Luật có liên quan đến thu chi ngân sách; chính sách thuế, phí, tín dụng; thị trường tài chính, mua sắm… thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành khác. Làm rõ phương thức tính toán, quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường. Bổ sung và làm rõ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường.
Về quy định ở mức chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường: trong điều kiện hiện nay, việc tăng tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường là rất cần thiết, song cần xác định rõ cơ sở khoa học, thực tiễn quy định tỷ lệ là 2% để báo cáo với Quốc hội, tránh trường hợp làm chia cắt, phân tán, lãng phí ngân sách.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận tại dự án Luật này tại đợt 1 của Kỳ họp thứ 9./.