HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TOÀN QUỐC LẤY Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

29/04/2020

Sáng ngày 29/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực TN&MT. Bộ TN&MT đã ghi nhận, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng từ các địa phương.

 

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và giải quyết tháo gỡ một số vướng mắc khó khăn trong lĩnh vực TN&MT

Trọn một buổi sáng làm việc tích cực, hiệu quả, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra. Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng tự nhiên, kinh tế đã đóng góp những ý kiến sâu sắc cho ngành tài nguyên và môi trường.

Các ý kiến đã đưa ra các giải pháp giải quyết tháo gỡ được các vấn đề khó khăn, vướng mắc đặt ra, kiến tạo thêm động lực cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội phát biểu tại điểm cầu Hà Nội 

Theo ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, Bộ TN&MT đã luôn phối hợp chặt chẽ với địa phương để định hướng sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình của địa phương và định hướng phát triển chung của đất nước. Trong dự thảo Luật, về nội dung phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề nghị ủy quyền cho địa phương chịu trách nhiệm. 

Mặt khác, Bộ TN&MT cũng cần phối hợp với địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Trong khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi, Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành liên quan có Thông tư liên ngành hướng dẫn các địa phương quản lý chặt chẽ, an toàn, đảm bảo an toàn xã hội.

Luật BVMT cần tránh chồng chéo với các Luật khác

Bà Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu, Trưởng Đoàn Đại điểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu tại điểm cầu Lai Châu 

Theo bà Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, tỉnh Lai Châu cơ bản nhất trí với Tờ trình về dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Theo đó, việc bổ sung thêm 6 nhóm chính sách mới trong Luật BVMT là cần thiết. Chúng tôi lưu ý, cần đánh gía tác động cụ thể của các chính sách trước khi đưa vào Luật. Luật BVMT (sửa đổi) cần cần khắc phục sự chồng chéo với các luật khác; không làm xáo trộn, mất tính khả thi của các luật chuyên ngành.

Trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), có thể xem xét đến việc kết hợp hai phương án trong thẩm quyền xem chức thẩm định báo cáo ĐTM (Phương án 1: giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế) tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình, trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT. 

Phương án 2: không giao các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được thẩm định các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh) mà giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ TN&MT).

Đối với các vấn đề đề nghị bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bổ sung vào dự thảo Nghị định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Lãnh đạo Bộ, Bộ sẽ giao cho các đơn vị nghiên cứu tiếp thu để sửa đổi bổ sung

Về các vấn đề lớn đặt ra đối với ngành, trên cơ sở các ý kiến của Hội nghị Bộ sẽ tổng hợp để đóng góp vào Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thể chế trong pháp luật để chuẩn bị cho đất nước bước vào giai đoạn mới.

Đối với các vấn đề đóng góp cho dự thảo Luật bảo vệ môi trường, các ý kiến góp ý tại Hội nghị rất xác đáng, Bộ nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc các vấn Đại biểu, các đồng chí Lãnh đạo các địa phương nêu để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9.

Tháo gỡ khó khăn về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho địa phương

Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại điểm cầu Đắk Lắk  

Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá: Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) được Bộ TN&MT soạn thảo công phu, giải quyết trực tiếp nhiều vấn đề còn tồn tại của Luật BVMT năm 2014. Bộ cần xem xét, nghiên cứu để quy định trong Luật khả thi và phù hợp với các Bộ luật có liên quan.

Về phía địa phương, tỉnh hiện đang gặp vướng mắc về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Tỉnh cũng đề nghị được Bộ hướng dẫn thêm về việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án; tháo gỡ khó khăn về sử dụng đất tại các công ty nông lâm nghiệp. Mặt khác, tỉnh cũng cần hướng dẫn cơ chế để phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

ĐTM nên giao cho địa phương thẩm định, phê duyệt

Ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu 

Theo ông Đặng Huy Hậu – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh: Để làm cơ sở cho phát triển kinh tế, chúng ta phải đánh giá được sức chịu tải của môi trường. Về thẩm quyền phê duyêt ĐTM, nên giao cho địa phương. Nếu năng lực của cơ quan thẩm định địa phương chưa đủ, có thể mời các chuyên gia từ các Bộ, ngành. Điều này đảm bảo về tiến độ của các dự án, đồng thời gắn trách nhiệm của địa phương với công tác bảo vệ môi trường với vai trò “chịu trách nhiệm đến cùng”. 

Bên cạnh đó, trong Luật cũng cần quy định phối hợp giải quyết vân đề môi trường liên vùng và chế tài xử lý rõ ràng. Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, nhất là đối với các cơ sở đã có vi phạm về bảo vệ môi trường.

Gắn trách nhiệm của cơ sở sản xuất trong xử lý bao bì thuốc BVTV

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu. Tại điểm cầu Đồng Tháp có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp 

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: Thống nhất ý kiến chọn phương án 2 đối với quy định về thẩm quyền phê duyệt ĐTM trong dự thảo Luật BVMT (giao địa phương thẩm định, phê duyệt – PV). 

Tỉnh kiến nghị có cơ chế để quy định trách nhiệm của các cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật để giảm bớt gánh nặng cho địa phương. Tỉnh cũng đề nghị có sự định hướng về mặt công nghệ từ các Bộ, ngành liên quan để thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia vào xử lý chất thải rắn.

Rà soát lại các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật BVMT

Bà Phương Thị Thanh – Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Theo Bà Phương Thị Thanh – Phó Trưởng Đoàn Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Cần xem xét, rà soát lại các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi); các quy định trong dự thảo Luật BVMT cần đồng bộ với các luật hiện hành như Luật Khoáng sản. 

Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt ĐTM, việc phân cấp mạnh cho địa phương là cần thiết. Việc phân cấp này phải căn cứ vào quy mô và tính chất tác động của từng dự án.

Về ngân sách Nhà nước chi cho bảo vệ môi trường: Luật hiện hành không quy định tỷ lệ; việc quy định cụ thể tỷ lệ ở Luật mới là cần thiết, tuy nhiên, tỷ lệ này là 1,5% hay 2% phải có cơ sở.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những vấn đề của các địa phương sẽ được Bộ TN&MT ghi nhận chi tiết và có đề xuất hướng xử lý phù hợp. Thông qua Hội nghị này, Bộ đã nhận thấy sự thay đổi rất lớn trong quan điểm, tư duy của các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường: Đã đến lúc, chúng ta không thể hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế, áp đặt sự phát triển thiếu bền vững lên sức chịu tải của tự nhiên. Đã đến lúc, phải đảm bảo chất lượng môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường của người dân.

Sự thay đổi có tính chất cách mạng trong công tác bảo vệ môi trường chỉ thực hiện được khi và chỉ khi có sự kết nối chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương. Sự kết hợp này thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện các cơ chế chính sách, khơi thông, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững đất nước./.

(Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)

Các bài viết khác