CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT, KIẾN THỨC PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ

29/04/2020

Báo cáo một số nội dung kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát chỉ ra rằng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo một số nội dung

Tại Phiên họp, Đoàn giám sát cho biết, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; đồng thời giúp trẻ em nâng cao hiểu biết, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là phổ biến các quy định của Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, hướng dẫn kỹ năng cơ bản về phòng chống xâm hại trẻ em.

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu là tổ chức tập huấn, toạ đàm, hội nghị, hội thi, diễn đàn trẻ em, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền miệng, pa- nô, áp - phích, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, xuất bản các ấn phẩm sách và xây dựng các chuyên trang, chuyên mục dành cho thiếu nhi; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như loa, đài phát thanh, truyền hình, báo chí (từ năm 2015 đến năm 2019, đã có 5.750 phóng sự và 72.612 tin, bài thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em); truyền thông trực tiếp; tổ chức các lớp học kiến thức về giới tính, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng phòng, chống xâm hại… Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) được giới thiệu, tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội; trực tiếp truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; khuyến khích việc phát hiện, lên tiếng, thông báo, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Ở nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm và tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em. Việc tuyên truyền văn bản pháp luật kết hợp giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; chú trọng nêu gương các cá nhân có thành tích trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tổ chức nhiều cuộc thi, tìm hiểu, diễn đàn dành cho trẻ em... Tại tất cả 63/63 địa phương, các đài, phát thanh truyền hình cấp tỉnh đều có chương trình dành riêng cho trẻ em. Một số địa phương đã có những hình thức, biện pháp tuyên truyền nổi bật, mang lại hiệu quả cao: Thực hiện tin, bài, phóng sự liên quan đến trẻ em bằng tiếng dân tộc ; kết hợp giữa thăm, tặng quà, khám sức khoẻ với nói chuyện, tuyên truyền miệng, phát tờ rơi về các quy định của pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Toàn cảnh Phiên họp

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Đó là, công tác tuyên tuyền chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào các sự kiện, tháng hành động về trẻ em. Hình thức tuyên truyền chậm được đổi mới, chưa phù hợp với nhiều địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư phân tán, không tập trung, giao thông đi lại khó khăn. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng trên internet, mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... rất cần truyền thông trực tiếp hoặc thông qua loa đài, truyền thanh, truyền hình, nhưng qua giám sát cho thấy, nhiều nơi hệ thống loa đài truyền thanh thiếu thốn, hư hỏng, xuống cấp.

Nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn, chưa thiết thực; chưa chú trọng tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em và xác định rõ trách nhiệm của gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với trẻ em. Qua khảo sát trực tiếp tại một số cơ sở giáo dục cho thấy, nhiều em chỉ hiểu xâm hại trẻ em là xâm hại tình dục trong khi đây chỉ là một trong các hình thức trẻ em bị xâm hại quy định tại Luật Trẻ em; nhiều em trả lời phòng tránh xâm hại trẻ em phải phòng ngừa người lạ, trong khi đối tượng xâm hại trẻ em có không ít trường hợp là người quen biết, thậm chí là người ruột thịt của trẻ.

Về đối tượng tuyên truyền, chưa chú trọng đúng mức đến một số nhóm đối tượng cần được tuyên truyền, nhất là trẻ em và cha mẹ của trẻ em. Báo cáo của nhiều địa phương phản ánh, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều bậc phụ huynh phải chăm lo lao động, kiếm thu nhập nên dành ít thời gian tham gia các buổi tuyên truyền về bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; nhiều địa phương có khó khăn về kinh phí nên cũng chưa thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em. 

Về hiệu quả của công tác tuyên truyền, nhận thức của một số cấp uỷ, lãnh đạo chính quyền cấp xã, huyện chưa ý thức đầy đủ về thực trạng, ý nghĩa và vai trò của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt, hầu hết các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn là những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao về xâm hại trẻ em thì nhiều bậc ông, bà, bố mẹ của các em chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm bảo vệ con cái trước nguy cơ bị xâm hại, thậm chí có trường hợp thoả thuận, che giấu việc các em bị xâm hại trong một thời gian dài vì nhiều lý do khác nhau; đồng thời, bản thân nhiều em nhỏ cũng thiếu kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Qua kết quả điều tra xã hội học với gần 9.000 người cho thấy: 44,6% người lớn trả lời có nghe về Luật Trẻ em, nhưng không biết rõ nội dung của Luật, 9,8% người lớn trả lời không biết có Luật Trẻ em, 47% trẻ em sống trong cùng gia đình trả lời không biết chính xác quy định về độ tuổi trẻ em trong Luật. Điều đó cho thấy hiệu quả công tác tuyên truyền chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu.

Tại Phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em vẫn còn những hạn chế, tồn tại, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu như: tuyên tuyền chưa được tiến hành thường xuyên, hình thức tuyên truyền chậm được đổi mới… Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến tại Phiên họp; giao Đoàn Giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp tới đây./.

Hồ Hương

Các bài viết khác