GIỮ NGUYÊN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM CHỦ TRÌ VIỆC TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT PHÁP LỆNH, DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT

27/02/2020

Tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Pháp luật tổ chức vừa qua, các đại biểu đều thống nhất giữ nguyên quy định về cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết như hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sủa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung là quy quy định về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Chính phủ đã trình 02 phương án. Phương án 1: Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Phương án 2: Cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết như hiện nay.

Trong quá trình thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 2; một số đại biểu tán thành với Phương án 1. Tại phiên họp thứ 41 (tháng 01/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận, phân tích, làm rõ thêm những ưu điểm, hạn chế của từng phương án và chỉ đạo hoàn chỉnh dự thảo Luật theo phương án 2 là cơ bản giữ quy định như hiện nay là cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh sửa lại các điều 74, 75, 76, 77 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án; xác định cụ thể, rõ hơn trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý; quy định rõ hơn cơ chế chịu trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án.

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết hướng chỉnh lý dự thảo là bổ sung quy định cơ quan soạn thảo, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án có trách nhiệm nghiên cứu, dự kiến sơ bộ nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội để gửi tới đại biểu Quốc hội trước khi thảo luận tại Hội trường. Quy định này thực chất là luật hóa chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đang được thực hiện trong nhiều kỳ họp thời gian qua.

Đối với các dự án được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 kỳ họp hoặc 3 kỳ họp, bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến của đại biểu Quốc hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Quốc hội kết thúc thảo luận Hội trường để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra. Quy định này để bảo đảm quyền và thể hiện rõ hơn trách nhiệm “theo đuổi” và “bảo vệ” quan điểm của cơ quan trình dự án đối với những vấn đề được đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nêu ra.

Đối với những chính sách mới được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo thì trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo tổ chức đánh giá tác động về chính sách để báo cáo Quốc hội.

Trên cơ sở nội dung đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và xây dựng dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo luật cũng luật hóa việc Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách dự án, dự thảo chủ trì cuộc làm việc với đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo, Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, Thường trực Ủy ban pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, thống nhất việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề quan trọng, vấn đề lớn của dự thảo còn có ý kiến khác nhau.

Bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo phải có ý kiến chính thức bằng văn bản về những nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, kể cả đồng ý hoặc không đồng ý; trường hợp có ý kiến khác thì đề xuất phương án xử lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quy định này buộc cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phải bám sát và theo đuổi”, “bảo vệ” quan điểm của mình, qua đó nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời khẳng định rõ trách nhiệm của cơ quan trình, tránh tình trạng một dự án do Chính phủ trình nhưng khi ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì mỗi Bộ nói một kiểu, bảo vệ quan điểm, lợi ích của Bộ mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ quy định chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết về cơ bản giữ như hiện hành đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý; dự thảo Luật bổ sung các bước cụ thể trong quy trình.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình đồng thời lưu ý một số nội dung để bảo đảm hiệu quả, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đề nghị cần cân nhắc thêm về luật hóa trách nhiệm của Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc làm việc để trao đổi, thống nhất việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề vấn đề lớn của dự thảo còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho rằng quy định này cần phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Quốc hội được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Theo quy định tại Điều 65 về nhiệm vụ, quyền hạn của các Phó Chủ tịch Quốc hội của Luật Tổ chức Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch. Khi Chủ tịch Quốc hội vắng mặt thì một Phó Chủ tịch Quốc hội được Chủ tịch uỷ nhiệm thay mặt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội. Do đó việc luật hóa vai trò của Phó Chủ tịch Quốc hội cần thiết kế sao cho hợp lý, bám sát với sự phân công nhiệm vụ giữa các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trao đổi thêm về đề xuất luật hóa quy định vai trò của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định này cũng là thể hiện vai trò chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trách nhiệm của lãnh đạo Quốc hội chuẩn bị cho phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lâu nay vẫn thực hiện trong thực tế.

Kết luận nội dung hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu đồng tình với phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Bên cạnh đó, việc quy định luật hóa trách nhiệm của Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cần bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ thêm, dự thảo Luật lần này cũng sửa đổi bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan trong tiếp thu, chỉnh lý đặc biệt là vai trò của cơ quan trình trong bảo vệ ý kiến, bám sát và chủ động nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, qua đó nâng cao trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý./.

Bảo Yến