QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CẦN CỤ THỂ VÀ THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG

27/02/2020

Tại Tọa đàm về “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức” do Ủy ban Tư pháp tổ chức vừa qua, các đại biểu đã chỉ rõ một trong những lý do của các trường hợp giám định kéo dài, gây khó khăn cho công tác điều tra, tố tụng hình sự là do chưa có quy định về thời hạn giám định.

Kéo dài thời hạn giám định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết các vụ án

Tại tọa đàm, trao đổi về những khó khăn liên quan đến thời gian giám định, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế Đào Thịnh Cường (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết nhiều vụ án liên quan đến giám định về kinh tế đều không bảo đảm về mặt thời hạn.

Tọa đàm “Việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần phối hợp nhiều cơ quan, tổ chức” 

Từ năm 2013 đến 2018, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế có tổng cộng 46 vụ án trưng cầu giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Trong đó, tám vụ thời gian giám định bị kéo dài. Trong thời gian chờ kết quả giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không đánh giá, kết luận được trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật. Có vụ án gia hạn thời hạn điều tra lần hai, lần ba chỉ để chờ kết luận giám định mà không có hoạt động điều tra nào khác. Điều này dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật.

Đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh, khi sử dụng hết tất cả thời hạn theo quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng buộc phải tách vụ án, dẫn đến trong thời gian dài bị cáo thực hiện nhiều hành vi tương đồng lại bị xử làm nhiều lần. Điều này vừa khiến kéo dài thời hạn điều tra, tốn thời gian, công sức, vừa bất lợi cho bị cáo khi xem xét trách nhiệm hình sự.

Ở góc độ của bên thực hiện giám định, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có những vụ cơ quan điều tra trưng cầu giám định, thời hạn cơ quan được trưng cầu phải gửi kết quả giám định trong khoảng thời gian rất ngắn, từ 5 - 10 ngày, gây khó khăn cho giám định viên trong quá trình giám định, dẫn đến kết quả không được như mong muốn.

Do pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể thời hạn giám định nên không có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm của giám định viên trong việc hoàn thành kết luận giám định đúng thời hạn, dẫn đến kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án.

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có chế tài đối với cơ quan được trưng cầu giám định chậm cử ra giám định viên. Các đại biểu đặt vấn đề nếu bổ sung quy định cơ quan được trưng cầu giám định phải chịu trách nhiệm vì chậm cử giám định viên thì cơ quan chủ quản hay giám định viên là người chịu trách nhiệm

Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế Đào Thịnh Cường đề nghị, bên cạnh việc bổ sung quy định về thời hạn giám định cũng cần quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lý các lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể, đối với từng loại giám định trong quy trình giám định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật tố tụng. Đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ra quyết định trưng cầu giám định cũng như cử ra giám định viên.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa phát biểu tại tọa đàm

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, thời hạn giám định hiện nay pháp luật tố tụng hình sự không xác định rõ, tạo ra khoảng hở để các cơ quan tiến hành giám định tự quyết định. Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, tại kỳ họp thứ 8 đã phát biểu tại hội trường về vấn đề này. Theo đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy nhiều vụ giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng phục vụ giải quyết các vụ án tham nhũng kinh tế còn bị kéo dài, có vụ cá biệt kéo dài tới 5 năm. Việc kéo dài này có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là luật không quy định thời hạn cụ thể cho các loại giám định tư pháp theo vụ việc. Bộ luật Tố tụng hình sự giao cho cơ quan trưng cầu giám định định ra thời hạn và nếu cơ quan này tiến hành giám định không thể tiến hành đúng thời hạn thì thông báo lại và nêu rõ lý do nhưng luật không quy định thời gian kéo dài giám định.

Tán thành việc quy định thời hạn giám định cụ thể trong Luật

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật này và nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định về thời hạn giám định trong dự thảo Luật là cần thiết; quy định cụ thể thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không bắt buộc phải trưng cầu giám định sẽ giải quyết được những vướng mắc hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ để tính thời hạn giám định tư pháp tối đa. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể thời gian được gia hạn trong dự thảo Luật và việc quy định này không lệ thuộc vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử; quy định thời hạn và căn cứ giám định lại, thời hạn giám định bổ sung. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc về thời hạn giám định trong Luật giám định tư pháp phải phù hợp với Bộ Luật tố tụng hình sự.

Đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ tán thành với việc bổ sung Điều 26a quy định thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp khác tối đa là 3 tháng. Trong trường hợp việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn hoặc điều kiện thực hiện giám định có khó khăn, thời hạn giám định tối đa là 4 tháng. Đại biểu cho rằng việc đưa quy định về thời hạn giám định như trên sẽ khắc phục được tình trạng nhiều vụ án bị kéo dài thời gian giải quyết do phải chờ kết luận giám định, bảo đảm phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nêu rõ vướng mắc ảnh hưởng lớn đến quá trình tố tụng như nhiều vụ án, việc giải quyết kéo dài do phải chờ kết quả giám định, nhất là án kinh tế, tham nhũng. Nguyên nhân được xác định là do Luật Giám định tư pháp năm 2012 không quy định cụ thể thời hạn giám định, dẫn đến việc giám định kéo dài vì không phải chịu áp lực về thời gian, mặt khác, một số lĩnh vực thiếu nhân lực và điều kiện để thực hiện giám định.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật đã quy định thời hạn giám định và bổ sung cơ quan giám định, quy định có thể gia hạn thời hạn giám định nhưng phải bảo đảm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng. Đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng, việc quy định thời hạn như trong dự thảo luật là phù hợp và linh hoạt, có tính khả thi.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, báo cáo tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cùng cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đề nghị cho giữ quy định thời hạn giám định như dự thảo Luật do Chính phủ trình; đồng thời chỉnh lý quy định về gia hạn giám định tư pháp theo hướng quy định thời gian gia hạn ngắn hơn thời hạn giám định lần đầu để vừa bảo đảm cho việc thực hiện giám định, đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quá trình tiến hành tố tụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành phương án chỉnh lý của dự thảo Luật. Cụ thể: thời hạn giám định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; các trường hợp khác quy định trong Luật Giám định tư pháp, cụ thể: thời hạn giám định không quá 03 tháng, trường hợp phức tạp không quá 04 tháng và có thể gia hạn thêm, nhưng không được quá 1/2 thời hạn thời hạn giám định lần đầu. Giao bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực để quy định thời hạn giám định từng loại việc cụ thể. 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và đã được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội. Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

Bảo Yến