XEM XÉT BỔ SUNG CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM THAM GIA THẨM TRA CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC VÀ CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

27/02/2020

Tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban Pháp luật tổ chức vào sáng 27/2, các đại biểu đều thống nhất đề cao trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong tham gia thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến đối với dự án thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật nhận được ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và 03 cơ quan (Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quốc phòng và An ninh) đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trong Luật nội dung tham gia thẩm tra chính sách dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, về tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời các cơ quan đều đề nghị thiết kế trong Luật một điều riêng quy định về trách nhiệm của mình để thực hiện trách nhiệm này, tương tự Điều 69 về trách nhiệm của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung cho biết, qua nghiên cứu tiếp thu vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng chính sách dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện cam kết quốc tế là những vấn đề quan trọng cần được quan tâm trong công tác xây dựng pháp luật; tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề quan trọng khác như phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nguồn lực tài chính,... cũng cần phải được quan tâm, bảo đảm, chú trọng xử lý toàn diện, đồng bộ trong suốt cả quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra.

Theo quy định của Luật hiện hành (tại khoản 1 Điều 63), việc tham gia thẩm tra các dự án, dự thảo được thực hiện theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, nếu không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công thì về nguyên tắc, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội sẽ không có trách nhiệm tham gia thẩm tra cùng với cơ quan chủ trì. Điều này sẽ làm giảm tính chủ động trong hoạt động của các cơ quan. Bên cạnh đó, mỗi dự án luật, dù ít dù nhiều, đều có phạm vi điều chỉnh, nội dung liên quan đến các lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban phụ trách và sau này khi thực thi, các cơ quan này có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện luật đối với những vấn đề nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách. Do đó, nên nghiên cứu tiếp thu sửa khoản 1 Điều 63 theo hướng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ phân công cơ quan chủ trì thẩm tra, còn các cơ quan khác của Quốc hội chủ động tham gia thẩm tra dự án, dự thảo về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực phụ trách mà không cần phải có sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay.

Loại ý kiến thứ hai tán thành việc quy định thêm trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra việc lồng ghép vấn đề dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính tương thích với các điều ước quốc tế. Vì đây là những vấn đề quan trọng, có tính nguyên tắc trong các dự án luật, pháp lệnh và cần được dành sự quan tâm, tập trung trong giai đoạn hiện nay. Việc chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong Luật sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng hoạt động phối hợp thâm tra, khắc phục tình trạng có điều kiện thì làm, không thì thôi. Tuy nhiên, loại ý kiến này cũng đề nghị nghiên cứu để quy định sao cho vẫn phải bảo đảm quyền tham gia của 05 Ủy ban còn lại trong việc thẩm tra đối với các dự án, dự thảo về những vấn đề thuộc lĩnh vực do Ủy ban phụ trách.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung phát biểu tại hội nghị

Lý giải về đề xuất bổ sung quy định đối với Hội đồng Dân tộc tham gia thẩm tra chính sách dân tộc trong dự án luật, pháp luật, dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, tôn giáo; khi Chính phủ ban hành chính sách dân tộc thì phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Như vậy, thể chế hóa quy định của Hiến pháp, việc bổ sung quy định về trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban sẽ bảo đảm tốt hơn chất lượng khi xây dựng luật.

Trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đã có văn bản tham gia ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Trong đó nêu rõ thực tiễn cho thấy trong những năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để phục vụ công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam như gia nhập WTO, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế quan trọng. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Đối ngoại được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại đã phối hợp và tham gia thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh trong đó tập trung vào nội dung thể chế hóa chính sách đối ngoại trong dự thảo luật, cac vấn đề liên quan đến yếu tố nước ngoài, sự tương thích giữa dự thảo luật với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế có liên quan và quy định tương tự trong hệ thống pháp luật các nước và pháp luật quốc tế.

Ủy ban Đối ngoại cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế, nhất là các Hiệp dịnh thương mại tự do thế hệ mới thì cần nghiên cứu quy định về trách nhiệm của Ủy ban Đối ngoại trong việc thẩm tra để dảm bảo sự tương thích của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tương tự như quy định về trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật và Ủy ban về các vấn đề xã hội tại Điều 68, Điều 69 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Bày tỏ tán thành với loại ý kiến thứ hai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm, thực tế thời gian qua Hội đồng Dân tộc đều rất trách nhiệm khi cho ý kiến về vấn đề dân tộc trong tất cả các dự án luật, pháp lệnh dù dự án đó có thuộc phạm vi thẩm tra hay không. Do đó việc chỉ rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong luật sẽ giúp nâng cao hơn chất lượng hoạt động thẩm tra. Phó Chủ nhiệm cũng đề nghị thiết kế thêm điều khoản chung với các Ủy ban còn lại.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại hội nghị

Liên quan đến ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế về quy định với các Ủy ban còn lại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Mai Bộ thì cho rằng có thể bổ sung thêm trong Luật Tổ chức Quốc hội cũng đang được sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng quy định trách nhiệm sao cho hài hòa giữa các Ủy ban, nếu quy định tất cả các Ủy ban đều tổ chức thẩm tra thì không phù hợp. Do đó cần làm rõ việc tham gia thẩm tra với việc tham gia ý kiến xây dựng luật. Việc quy định thẩm tra của các Ủy ban cần đảm bảo tính khả thi, có quy trình phù hợp, trong đó cần cân nhắc đến các nguyên tắc như có sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và những vấn đề Ủy ban quan tâm.

Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận các đại biểu cũng thống nhất đề cao trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong tham gia thẩm tra. Tuy nhiên, quy định cụ thể còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Pháp luật đề xuất thể hiện nội dung này theo hai phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, phương án 1 thể hiện khái quát các cơ quan đều có trách nhiệm tham gia thẩm tra theo phạm vi lĩnh vực phụ trách và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 2, quy định trong một điều về trách nhiệm tham gia của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đồng thời có quy định cụ thể đối với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra việc lồng ghép vấn đề dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính tương thích với các điều ước quốc tế vì đây là những vấn đề quan trọng, có tính nguyên tắc trong các dự án luật, pháp lệnh; đồng thời có quy định một khoản quét dành cho các Ủy ban khác tham gia thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: dù theo phương án nào đều phải có quy trình cụ thể và bảo đảm tính khả thi./.

Bảo Yến