HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

27/02/2020

Sáng ngày 27/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tham dự hội nghị còn có Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Pháp luật.

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau kỳ họp, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề lớn làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Ủy ban Pháp luật tổ chức hội nghị để cùng Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các cơ quan hữu quan tiếp tục cho ý kiến về những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Trong đó, tập trung vào các vấn đề về phạm vi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật, trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; việc bổ sung quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc vào quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 2015 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), mới có hiệu lực được hơn 3 năm. Thực tế nhiều nội dung, tư tưởng mới của Luật năm 2015 mới được triển khai thực hiện, chưa có đủ thời gian để tổng kết, đánh giá phục vụ việc sửa đổi. Vì vậy, trong sửa đổi Luật lần này, Chính phủ chỉ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để tập trung thể chế hóa chỉ đạo của Ban Bí thư theo hướng nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác và phân công hợp lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật. Trong quá trình thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét sửa đổi thêm một số nội dung khác để khắc phục toàn diện các vấn đề đang vướng mắc hiện nay trong công tác xây dựng pháp luật.

Tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra một số vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà đại biểu Quốc hội nêu không phải do quy định của Luật mà là do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm; một số vấn đề khác cũng mới được thực hiện, cần có thêm thời gian để tổng kết, đánh giá trước khi sửa đổi, bổ sung.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng phát biểu tại hội nghị

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho hay, thời gian qua, có nhiều luật không làm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung thực hiện qua loa, hình thức nhất là việc báo cáo đánh giá tác động, thiếu định lượng mà chỉ định tính, chủ quan. Việc tuân thủ quy định thời gian trình, hồ sơ dự án trình không bảo.

Do đó, các đại biểu đề nghị trong lần sửa đổi này chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như đề nghị của Chính phủ; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sửa đổi thêm một số vấn đề khác thực sự gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến của Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, cần tiếp tục rà soát để sửa đổi những quy định còn vướng mắc hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh dự thảo luật cần có những quy định tạo thuân lợi cho đại biểu Quốc hội tham gia trình luật. Từ thực tiễn đã từng chủ trì trình dự án Luật Hành chính công trước đây, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ, nhiệm kì Quốc hội này đã có nhiều chuyển biến trong việc ủng hộ, hỗ trợ đại biểu Quốc hội thực hiện sáng kiến lập pháp nhưng các quy định hiện hành lại rất hạn chế từ việc thành lập ban soạn thảo, con dấu, thủ tục, kinh phí…Do đó, đại biểu đề nghị luật cần có quy định cởi mở để đại biểu tham gia xây dựng pháp luật.

Ngoài ra, tại hội nghị các đại biểu cũng khẳng định sự tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là rất cần thiết và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng cần phải có trách nhiệm tham gia ý kiến thẩm tra. Cân nhắc việc luật hóa quy định thể hiện vai trò của các Phó Chủ tịch Quốc hội bảo đảm thống nhất với Luật tổ chức Quốc hội.

Các đại biểu cũng lưu ý đến tình trạng lạm dụng quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để đề nghị bổ sung dự án hay rút dự án ra khỏi chương trình, nhiều dự án được đề nghị bổ sung ngay gần sát kỳ họp. Điều này ảnh hưởng đến việc xem xét nội dung dự án luật của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho biết thêm, thời gian quan việc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được  chấp hành nghiêm túc, đề nghị bổ sung rồi lại xin rút. Các quy định về thời hạn trong quy trình xây dựng luật liên tục bị vi phạm. Đại biểu cho rằng, việc đưa dự án vào Chương trình hay rút ra cần phải căn cứ vào chất lượng của dự án, tránh tình trạng phải cố làm vì đã có trong Chương trình.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết qua thảo luận đa số ý kiến thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó với những khó khăn vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện cần chấn chỉnh kỉ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật.

Đa số ý kiến đồng tình với phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết. Việc quy định luật hóa trách nhiệm của Phó Chủ tịch Quốc hội bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chia sẻ thêm, dự thảo Luật lần này cũng sửa đổi bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan trong tiếp thu, chỉnh lý đặc biệt là vai trò của cơ quan trình trong bảo vệ ý kiến, bám sát và chủ động nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, qua đó nâng cao trách nhiệm phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý.

Qua thảo luận các đại biểu cũng thống nhất đề cao trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trong tham gia thẩm tra. Tuy nhiên, quy định cụ thể còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Pháp luật đề xuất thể hiện nội dung này theo hai phương án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Theo đó, phương án 1 thể hiện khái quát các cơ quan đều có trách nhiệm tham gia thẩm tra theo phạm vi lĩnh vực phụ trách và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 2, quy định trong một điều về trách nhiệm tham gia của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, đồng thời có quy định cụ thể đối với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Ủy ban Đối ngoại trong việc tham gia thẩm tra việc lồng ghép vấn đề dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính tương thích với các điều ước quốc tế vì đây là những vấn đề quan trọng, có tính nguyên tắc trong các dự án luật, pháp lệnh; đồng thời có quy định một khoản riêng dành cho các Ủy ban khác tham gia thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh: Dù theo phương án nào đều phải có quy trình cụ thể và bảo đảm tính khả thi.

Các ý kiến khác như về việc phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên tắc áp dụng pháp luật, việc bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật...sẽ được Ủy ban Pháp luật tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020) tới đây./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh