LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN 2018 CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC VỚI NHIỀU THAY ĐỔI

11/07/2019

Có hiệu lực từ ngày 01/7/2019, Luật Công an nhân dân 2018 thay thế cho Luật Công an nhân dân năm 2014, có nhiều thay đổi trong đó có những thay đổi tác động trực tiếp đến cơ cấu tổ chức, bộ máy cũng như quyền lợi, trách nhiệm những người trong ngành.

Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Luật Công an nhân dân 2018 gồm 7 chương, 46 điều. So với Luật năm 2014, Luật tăng 1 điều; sửa đổi, bổ sung 34 điều; giữ nguyên 12 điều.

Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Nhiều quy định mới

Luật quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân (CAND) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan với những điểm mới quan trọng.

Một là, bổ sung quy định mới trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng CAND.

Hai là, hoàn thiện thêm một bước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND cho phù hợp với các đạo luật mới và thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ba là, Luật CAND 2018 sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị, trong đó có 3 chủ trương lớn, quan trọng về mô hình tổ chức, đó là: (1) xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; (2) sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (3) không tổ chức cấp tổng cục thuộc Bộ Công an.

Bốn là, tạo cơ sở pháp lý để bố trí, sắp xếp lại hệ thống chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND; sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND hợp lý hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với cách bố trí lực lượng và mô hình tổ chức mới của CAND các cấp.

Năm là, Luật bổ sung quy định về công nghiệp an ninh. Tuy nhiên, về lâu dài Bộ Công an kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Ngoài các quy định trên, Luật CAND năm 2018 còn có nhiều điểm mới khác thể hiện trong các điều luật quy định về: giải thích từ ngữ; phân loại, bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; cấp bậc hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy...

Hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy của ngành công an

Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị, Luật CAND 2018 đã sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND và hệ thống các chức vụ, chức danh phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an khi không còn cấp tổng cục. Theo đó, Luật CAND không còn các quy định có liên quan đến chức vụ “Tổng cục trưởng”.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật

Luật cũng không còn quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng; thẩm quyền bổ nhiệm Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng và các quy định khác có liên quan. Luật 2018 bỏ khoản 2 Điều 16 Luật năm 2014, để phục vụ cho việc sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tinh giảm các đầu mối trực thuộc 20 đơn vị này.

Theo đó, trong tổ chức, bộ máy của mỗi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ có một đơn vị cấp phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; các phòng nghiệp vụ và phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các quận, huyện, khu vực thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước đây cũng được thu gọn lại cho phù hợp.

Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy

Luật CAND 2018 xác định Công an xã, phường, thị trấn là công an chính quy, đồng thời giao: “Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”.

Để bảo đảm việc xây dựng Công an xã, thị trấn có lộ trình, bước đi phù hợp để giảm áp lực về chính sách, tiết kiệm ngân sách, tận dụng được nguồn nhân lực của lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay, Luật quy định điều khoàn chuyển tiếp. Theo đó, đối với Công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đối với Công an, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy thì các quy định về Công an xã tiếp tục được áp dụng theo Pháp lệnh Công an xã, Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Như vậy, việc xây dựng Công an xã, thị trấn sẽ có lộ trình, bước đi phù hợp; lộ trình cụ thể sẽ do Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định.

Quy định rõ ràng quyền lợi, chế độ

Luật mới cũng thể hiện sự quan tâm hơn đến quyền lợi của sĩ quan, hạ sĩ quan và công nhân công an và thân nhân thông qua việc quy định rõ ràng về các chế độ được hưởng. Đồng thời, Luật  đảm bảo quyền lợi cho thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ bằng quy định tại khoản 3 Điều 42. Cụ thể, thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định như đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là quy định mới chưa được nêu tại Luật năm 2014.

Cùng với đó, thân nhân của công nhân công an cũng được mua bảo hiểm y tế. Theo đó, đối tượng được mua bảo hiểm y tế (BHYT), được khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật là cha, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp; cha, mẹ đẻ, người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi của công nhân công an không có chế độ BHYT. Trước đây, chỉ có thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, sinh viên và học sinh Công an nhân dân không có chế độ BHYT mới được hưởng quyền lợi này.

Ngoài ra, khi Luật Công an nhân dân 2018 có hiệu lực thì thời gian tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân được rút ngắn từ 36 tháng xuống còn 24 tháng. Tuy nhiên, thời gian này cũng có thể kéo dài thêm không quá 06 tháng trong một số trường hợp như để đảm bảo nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Tổ chức thực hiện các quy định của Luật, dự kiến trong tháng 07/2019, Nghị định hướng dẫn Luật này có hiệu lực, trong đó quy định toàn bộ chế độ dành cho công an khi nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ…

Bảo Yến