Báo cáo tình hình thực hiện triển khai Luật Trẻ em 2016 trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc thực hiện công tác trẻ em của ngành, trách nhiệm được giao tại Luật trẻ em 2016 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc, triển khai hiệu quả.
Trong điều kiện còn khó khăn về nguồn lực, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã lồng ghép nội dung về trẻ em trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành. Trẻ em được bảo đảm những điều kiện để phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phòng, chống xâm hại, lạm dụng, bóc lột trẻ em khi tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh ghi nhận sự cố gắng và những kết quả đã đạt được của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh nhấn mạnh, những gì chúng ta đã đạt được và đòi hỏi thực tế xã hội vẫn đang có một khoảng cách rất xa. Do vậy, trong thời gian tới các bộ ngành cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tháo gỡ những bất cập của công tác chăm sóc, bảo về trẻ em trong giai đoạn mới, nhất là khi tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội đang có chiều hướng tăng cao
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kinh phí thực hiện các hoạt động đảm bảo quyền được vui chơi giải trí, phòng, chống đuối nước tai nạn thương tích cho trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Mạng lưới thư viện, các thiết chế văn hóa, thể thao chưa đồng đều chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trung tâm huyện lỵ; những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân tộc ít người, hệ thống này ít về số lượng, không có nhiều hoạt động phong phú phục vụ thiếu nhi...
Nguyên nhân của những hạn chế khó khăn chủ yếu là do nhận thức của một số cấp ủy Đảng, lãnh đạo một số cơ quan đơn vị về công tác trẻ em còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm, đầu tư chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác trẻ em gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Tại cơ sở, đội ngũ cán bộ văn hóa – xã hội cấp xã phải thực hiện nhiều đầu việc nên không thể tập trung, đầu tư vào nhiệm vụ trẻ em của ngành
Bên cạnh đó, gia đình có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng nhất đến sự phát triển toàn diện của trẻ em tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình nói chung ở trung ương và địa phương còn hạn chế. Đội ngũ làm công tác gia đình còn thiếu về số lượng, kinh phí còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn trong khi khối lượng công việc rất lớn.
Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch, triển khai truyền thông về tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em, tập trung vào các nội dung phổ biến kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, lên án các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em...
Để triển khai tốt hơn nữa Luật Trẻ em 2016 trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định ban hành quy hoạch tổng thể phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050. Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em cần tăng cường hoạt động tập huấn, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong triển khai các hoạt động cũng như công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các chương trình về trẻ em.