TỪ NGÀY 01/7, QUYỀN TỰ CHỦ CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐƯỢC MỞ RỘNG

11/07/2019

Ngày 19/11/2018 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 với nhiều điểm mới tiệm cận với thông lệ quốc tế, phù hợp hơn với thực tiễn ở Việt Nam nhằm khắc phục một số vấn đề bất cập, hướng đến đảm bảo ổn định hệ thống để phát triển.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

Luật sửa đổi, bổ sung 36/73 điều của Luật Giáo dục đại học năm 2012; giữ nguyên 37 điểu; bổ sung 01 điều mới, Luật này đã có những điều chỉnh lớn về chính sách phát triển giáo dục đại học, về những quy định liên quan đến cả người dạy và người học…

Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động

Một điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là bổ sung một số chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học. Cụ thể, Luật yêu cầu phải gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nhằm khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm đang là vấn đề bức xúc hiện nay.

Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích quá trình sắp xếp, sáp nhập các trường đại học thành đại học lớn; khuyến khích phát triển các trường đại học tư thục; có chính sách miễn, giảm thuế với tài sản hiến tặng, hỗ trợ cho giáo dục đại học, cấp học bổng và tham gia chương trình tín dụng sinh viên.

Không phân biệt văn bằng đại học theo hình thức đào tạo

Luật quy định, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Ngoài ra, theo quy định của Luật, loại hình đào tạo chính quy là tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là không tập trung. Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Như vậy khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

Giảng viên đại học có trình độ tối thiểu là thạc sĩ

Nếu như trước đây quy định, thạc sĩ là trình độ chuẩn đối các giảng viên đại học, thì nay, Luật mới quy định đây chỉ là trình độ tối thiểu của các giảng viên, trừ trợ giảng. Các trường đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên. Giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phải có trình độ tiến sĩ.

Giảng viên độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khác… theo quy định của trường đại học mà mình đang làm việc.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật

Mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật hướng tới việc phân cấp, phân quyền rõ ràng giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục đại học. Theo đó , những vấn đề về tuyển sinh, chỉ tiêu, mở ngành hoặc bổ nhiệm nhân sự, định mức học phí là trách nhiệm và quyền của các trường đại học. Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ Giáo dục- Đào tạo tập trung xây dựng các chuẩn chất lượng, cơ chế, chính sách, hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thúc đẩy cạnh tranh nâng cao chất lượng…và thông qua việc thanh tra, kiểm tra cùng với sự giám sát của xã hội để quản lý, phát hiện những cơ sở giáo dục vi phạm và áp dụng chế tài xử phạt theo đúng Luật định, công khai kết quả xử lý vi phạm.

Việc mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học được đánh giá là điểm khác biệt lớn nhất của Luật 2018. Cụ thể, các trường được tự quyết định về chính sách mở ngành, tuyển sinh, đào tạo; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và các chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được thực hiện quyền tự chủ, các trường đại học phải đáp ứng một số điều kiện như: đã thành lập hội đồng trường (là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan); thực hiện phân quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đến từng đơn vị, cá nhân trong trường; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, mức học phí, tỷ lệ sinh viên có việc làm...

Trường phải công khai mức học phí cả khóa học trên website

Luật yêu cầu các trường phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường. Đồng thời, các trường phải có trách nhiệm trích một phần nguồn học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng

Luật này quy định chặt chẽ hơn về điều kiện mở ngành đào tạo của các trường đại học. Theo đó, trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, các trường phải đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định.

Trường hợp không đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, các trường phải cải tiến, nâng cao chất lượng để đảm bảo chuẩn đầu ra; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.

Đặc biệt, các trường tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 05 năm.

Thời gian đào tạo xác định theo số lượng tín chỉ

Luật quy định rõ thời gian đào tạo được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo. Số lượng tín chỉ cần tích lũy đối với mỗi trình độ được quy định trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam do Thủ tướng phê duyệt. Hiệu trưởng các trường đại học quyết định số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình và trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi còn có các quy định mới mang ý nghĩa tạo động lực phát triển như: quy định chi tiết về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, trách nhiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học phục vụ phát triển đất nước; bổ sung tổ chức “doanh nghiệp” trong cơ cấu tổ chức của trường đại học.

Bảo Yến