Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang hoạt động, được thành lập theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đều là đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ riêng Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Các quỹ đã đi vào hoạt động ổn định, đúng mục tiêu, nhiệm vụ, tuân thủ cơ chế tài chính được quy định, có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động, tập trung theeo được các nguồn lực tài chính trong xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển KT – XH địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang phát biểu
Tuy nhiên, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay vẫn thiếu văn bản hướng dẫn nên quá trình thực hiện, tổ chức bộ máy của các quỹ chưa thống nhất, chưa kể một số loại quỹ do chính sách điều chỉnh nhiều lần trong thời gian qua nên hoạt động bị chậm lại. Một số quỹ do quy định về hoạt động chưa chặt chẽ đã khiến chính sách bị lợi dụng, gây mất cân đối thu – chi quỹ. Nguồn vốn hoạt động của các quỹ đều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ghi nhận báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa cơ bản bám sát đề cương chung, song các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung báo cáo, vì mới đề cập chi tiết tổ chức, hoạt động của mỗi quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, song chưa đánh giá khái quát về tổ chức, hoạt động, tác động mang lại.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, UBND tỉnh cần đưa ra những kiến nghị cụ thể về vướng mắc, khó khăn từ quy định pháp luật hiện hành đối với hoạt động của quỹ; báo cáo thêm về các quỹ xã hội, mang tính tự nguyện, tự quản để có cái nhìn toàn diện về quỹ tài chính ngoài ngân sách. Một số thành viên Đoàn giám sát đề nghị, từ thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận thấy cần sắp xếp, cơ cấu các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo hướng nào, có nên thu gọn lại thành hai loại quỹ thực hiện đầu tư và thực hiện hỗ trợ không?
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Hữu Quang cho rằng, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa nhìn chung đều đã đóng góp tích cực cho thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, chăm sóc cho người dân. Cơ sở pháp lý cho thành lập quỹ đa dạng, thiếu thống nhất, có quỹ thành lập theo luật, nghị định của Chính phủ, quyết định của Chính phủ, văn bản của tổ chức chính trị - xã hội. Phó trưởng Đoàn giám sát cũng lưu ý, nhu cầu thành lập quỹ của địa phương và hiệu quả hoạt động là những yêu tố cần quan tâm khi đánh giá về mỗi quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị huy động thêm từ nguồn lực ngoài xã hội, phát huy tối đa hiệu quả của các quỹ này.
Phó trưởng Đoàn giám sát đề nghị, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động, công tác thu quỹ để bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định pháp luật.
Phó trưởng Đoàn giám sát lưu ý, theo Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách sẽ chỉ được cấp vốn một lần, tạo cơ chế để thu hút nguồn vốn ngoài xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động của quỹ. Do vậy, từ thực tiễn địa phương, nghiên cứu kỹ càng quy định pháp luật hiện hành, UBND tỉnh cần mạnh dạn kiến nghị cụ thể về việc sắp xếp, cơ cấu lại các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; phạm vi thu – chi của những quỹ sẽ được giữ lại; cung cấp số liệu cụ thể minh họa cho tác động của các quỹ đã phát huy hiệu quả tốt trong thời gian qua…