Ngày đầu tuần, Quốc hội nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Dự án được trình trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội Việt Nam, số doanh nghiệp gặp khó khăn giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động tăng cao. Việc thực hiện các quy định của hệ thống pháp luật có liên quan còn nhiều vướng mắc, các thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian nộp thuế ở mức cao so với các nước trong khu vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Do vậy, việc trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế là cần thiết. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế của nền nông nghiệp; động viên hợp lý để phát triển nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế, chống chuyển giá, thực hiện có hiệu quả những sửa đổi, bổ sung của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cũng trong ngày thứ hai, Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật Thi hành án dân sự. Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại (gọi chung là bản án, quyết định). Quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.
Một dự án về tổ chức bộ máy Nhà nước được trình kỳ này là Luật Tổ chức Chính phủ. Sau hơn 12 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế- xã hội, từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quan của các bộ đối với doanh nghiệp, tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công… Tuy nhiên, đã phát sinh những hạn chế cần sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa quy định và tinh thần Hiến pháp mới, đảm bảo tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng.
Quốc hội cũng sẽ thảo luận dự án Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi. Theo điều 4, dự thảo, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nội dung thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm: đăng ký nghĩa vụ quân sự; phục vụ tại ngũ, phục vụ trong ngạch dự bị; chuẩn bị cho công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự; quyền lợi và chế độ chính sách. Điều 5 quy định, công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời bình phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu tự nguyện và Quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Liên quan dự thảo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân, dự luật này kế thừa và phát triển các quy định trong Luật Bầu cử hiện hành. Những nội dung mới chủ yếu là qui định về Hội đồng Bầu cử Quốc gia; sửa đổi một số qui định hạn chế, bất cập, liên quan đến qui trình, thủ tục bầu cử... Việc hợp nhất 2 luật hiện hành thành dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện. Dự luật cũng quy định rõ một số vấn đề về cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thời gian chuẩn bị công tác bầu cử, kết thúc bầu cử, tiến hành kiểm phiếu; việc công khai lý lịch của các đại biểu ứng cử; vai trò của UBMT Tổ quốc các cấp trong hoạt động bầu cử.
Thứ năm tuần này, Quốc hội thảo luận dự án Luật CAND sửa đổi và Luật sĩ quan QĐND sửa đổi. Dự luật CAND sửa đổi trình Quốc hội thông qua lần này đã được chỉnh sửa dựa trên ý kiến đại biểu Quốc hội, gồm 7 chương, 42 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với sĩ quan CAND. Quy định cấp bậc hàm cao nhất của cấp trưởng cao hơn cấp phó một bậc, sự thống nhất về cấp bậc hàm tại các Công an địa phương…
Đối với Luật sĩ quan QĐND sửa đổi đã chỉnh lý những nội dung về quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, quy định thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan tại ngũ, về tiền lương, chế độ, chính sách…