Trực tiếp: “Phòng chống tham nhũng vì sao chưa hiệu quả?”

30/10/2014

Hôm nay (30/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phiên thảo luận được VOV tường thuật trực tiếp trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) và phát trực tuyến trên VOV.VN từ 8h ngày 30/10. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên làm việc của Quốc hội sáng nay.

Là người đầu tiên nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 đã đánh giá khá đầy đủ tình hình của đất nước.

Theo đó, tình hình có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên nền kinh tế còn nhiều thách thức. Nhiều cử tri cho rằng Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Cử tri Hòa bình băn khoăn về sinh viên không tìm được iệc làm, gia tăng tội phạm gây bức xúc dư luận, đời sống vật chất và tinh thần một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn”, đại biểu nêu ý kiến.

Đồng tình với những giải pháp của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu…

Để thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014 và 2015, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ một số vấn đề:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài; kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHNN trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông dòng vốn trong kinh tế cũng như việc điều hành linh hoạt thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu thúc đẩy tang trưởng kinh tế ở mức hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ tính toán cân đối trình QH cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ dành riêng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời chỉ đạo tăng cường nguồn huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm đầu tư công; thực hiện tăng đầu tư ngân sách;

Thứ ba, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là chương trình trọng điểm quốc gia nhằm hình thành một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ khu vực để phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Do đó thực hiện chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là hoàn toàn phù hợp cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, nếu để chậm chễ sẽ bỏ mất cơ hội lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Vì vậy đại biểu đề nghị tại kỳ họp này, Quốc hội cho thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành để Chính phủ có kế hoạch, thời gian đưa ra lộ trình triển khai và tập trung thu hút vốn từ nước ngoài.

Thứ tư, đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân sông Đà năm 2009-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do đó đề án không thể hoàn thành theo kế hoạch. Mặt khác, do chế độ chính sách có sự thay đổi, một số nội dung của đề án không còn phù hợp với tình hình thực tế đã được Quốc hội, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của đề án. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy đời sống nhân dân khu vực này còn rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy cử tri và nhân dân ở đây mong muốn thủ tướng xem xét sớm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và đưa vào kế hoạch giai đoạn 2016-2020 để đề án nhanh chóng được triển khai góp phần giúp người dân khu vực chuyển dân lòng hồ Sông Đà làm thủy điện vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững, có cuộc sống ngang bằng với cuộc sống người dân những khu vực xung quanh.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cũng đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ. Sự quyết tâm từ Trung ương đến địa phương của các cấp, ngành đã góp phần vào sự chuyển biến về tình hình kinh tế xã hội, được sự ủng hộ của nhân dân: Phản ứng về hành động xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông; các chỉ đạo uốn nắn chấn chỉnh tình hình của Bộ Giao thông, Bộ Công an, Kế hoạch đầu tư…

Tuy nhiên, đại biểu cũng chia sẻ về sự yếu kém, sự chuyển biến chậm chạm của một số lĩnh vực mà báo cáo đã đề cập như phát triển chưa vững chắc, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, tái cơ cấu quá chậm….

http://vov.vn/Uploaded/nthanhha/2014_10_30/Truong_Minh_Hoang_UOXS.jpg

Đại biểu Trương Minh Hoàng - Cà Mau

Đồng tình với giải pháp Chính phủ đưa ra, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển, tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh…

Nhấn mạnh cán bộ là cái gốc của công việc, đại biểu đề nghị cần mạnh dạn thu hút nguồn nhân lực đủ chất, đủ chuẩn, đặc biệt là những đứng đầu phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích của dân, của nước “ngẩng cao đầu mà làm”; điều chuyển những cán bộ thấy sai không dám nói, thấy việc không dám làm, chưa thực sự vào cuộc.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và của các bộ ngành, có nhiều thành tích thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội.

Theo đại biểu, thực hiện chỉ tiêu trong Nghị quyết Quốc hội có khá nhiều chỉ tiêu đạt được, tuy nhiên về giường bệnh không phản ánh được thực tế công tác y tế của chúng ta.

Trong những năm vừa qua huy động nhiều nguồn lực cho bệnh viện nhưng bệnh viện vẫn quá tải. Nguyên nhân một phần do cơ chế, thậm chí “các bệnh viện không muốn giảm quá tải”. Đại biểu đề nghị nên thay chỉ tiêu giường bệnh thành chỉ tiêu bảo hiểm y tế vì điều này phản ánh đúng hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đại biểu cũng nhấn mạnh không vay ODA cho chi thường xuyên; các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động con cháu chúng ta sau này.

Nêu bức xúc của cử tri về phân bón giả, đại biểu cho rằng Bộ Nông nghiệp PTNT cần hành động vì đại biểu đã có ý kiến nhiều lần.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu rõ, thời gian qua xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi cho tình hình kinh tế thế giới: Xuất hiện tổ chức IS, tình hình Ukraine, tình hình Biển Đông, biển Hoa Đông, chạy đua vũ trang… Điều này tác động lớn đối với những nước có độ mở cao. Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở cao nhất thế giới, đứng thứ 2 trong 40 quốc gia châu Á- TBD nên cần lưu ý.

Đại biểu cũng khẳng định kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở khi tăng trưởng tăng dần. Nhưng nhìn về tiềm năng 20 năm (1991-2010) với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, 90 triệu dân, chính trị ổn định… nhưng tăng trưởng trong 4 năm qua chỉ khoảng 5,7% là dưới tiềm năng. Tuy nhiên, chúng ta đạt nhiều thành công nổi bật: Kinh tế vĩ mô ổn định dần, lạm phát chỉ còn 5,5%, cán cân thương mại được cải thiện cân bằng xuất siêu,cán cân vãng lai thặng dư 5,6%GDP, đảm bảo ổn định tỷ giá, sức mua đồng tiền Việt Nam; huy động vốn vào ngân hàng vẫn tăng 20% thể hiện niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

“Đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng”, đại biểu nêu ý kiến.

Đồng tình với mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% nhưng đại biểu cho rằng cần tăng tổng vốn đầu tư từ 30% lên 32% GDP.

Về giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...

“Chú ý an dân trong cuộc sống, an tâm trong chữa bệnhnh, an toàn trong giao thông, thực phẩm…”, đại biểu lưu ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến cho rằng kinh tế xã hội có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. Tuy nhiên, khi nói chuyển biến trên hầu hết các ngành, lịch vực thì cần thận trọng để tránh sự chủ quan. Giữa báo cáo và tình hình thực tế 9 tháng qua còn khoảng cách lớn và báo cáo của Chính phủ ít đề cập hạn chế, yếu kém mà nhân dân bức xúc, hay vì sao dẫn tới tình hình như thế. Báo cáo cần đề cập đầy đủ hơn trong những lần sau.

http://vov.vn/Uploaded/nthanhha/2014_10_30/Nguyen_Thi_Quyet_tam_UCJP.jpg.ashx?width=600

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - Thành phố Hồ Chí Minh

“Không có nguồn tăng lương theo lộ trình nhưng không thấy báo cáo rõ, rồi nợ công báo cáo còn đơn giản, Chính phủ cần báo cáo đầy đủ, minh bạch để cả nước cùng lo liệu”, đại biểu nêu ý kiến.

Về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu cho rằng báo cáo còn mờ nhạt: Vì sao chưa hiệu quả, nguyên nhân cụ thể, giải pháp ra sao?

Vì sao việc khắc phục thủ tục rườm rà chưa có hiệu quả; tình trạng gây phiền hà, những nhiễu diễn ra ở hầu hết các cấp, các ngành;  tinh giảm bộ máy nói rất nhiều nhưng chưa hiệu quả… cũng là nội dung mà theo đại biểu cần được làm rõ.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp gây bức xúc. Nhân dân lo lắng, băn khoăn và bất bình về hành vi phạm pháp dã man.

Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ đầu 2014, nhưng việc đưa vào thực tiễn còn bất cập, thiếu văn bản hướng dẫn. Nêu thực trạng tệ nạn ma túy, đoàn đại biểu TPHCM đề nghị QH cần xem xét nghiên cứu, cho phép một số giải pháp tình thế (có nghị quyết riêng hoặc đan xen trong nghị quyết về KT-XH) để giải quyết tình hình cai nghiện ma túy.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng bày tỏ đồng tình với báo cáo nhưng nhấn mạnh dư luận chưa thực sự yên tâm khi kinh tế phục hồi, tái cơ cấu còn chậm so với yêu cầu phát triển; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược chưa đạt như mong muốn; khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu; việc làm là sức ép lớn, thiên tai, tội phạm đang là thách thức thật sự…

Khẳng định phát huy tinh thần “không bao giờ lùi bước trước khó khăn, thách thức”, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết bất cập về nợ công, trong đó xử lý vấn đề đáng lo là tích lũy trả nợ còn thấp, cơ cấu chi thường xuyên và đầu tư phát triển với trả nợ chưa ổn. Nợ xấu có sự nỗ lực lớn của Ngân hàng nhưng thiếu nguồn lực và cơ sở pháp lý cần thiết cho xử lý nợ xấu; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần chỉ rõ lĩnh vực nào cần chi phối và không chi phối; Lương không tăng được do biên chế không giảm, năng suất lao động thấp; đào tạo nguồn nhân lực… cũng là vấn đề Chính phủ cần quan tâm.

“Cố gắng ngăn chặn tham nhũng; hiện tượng lạm dụng chính sách, bày vẻ thủ tục để trục lợi cần được khắc phục để mang lại trong sạch cho nền hành chính quốc gia”, đại biểu nói.

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày nhấn mạnh, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2014 được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Xung đột xảy ra ở nhiều nơi. Căng thẳng trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn nhưng vẫn bố trí tăng nguồn lực từ ngân sách nhà nước đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư còn lớn. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên. Nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí có mặt còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng tại nhiều cơ quan chưa hiệu quả. Một số vụ án xử lý chậm. Công tác kiểm tra thanh tra hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Công tác giám định tư pháp còn bất cập. Lãng phí thời gian và nguồn lực trong xã hội còn lớn./.

 

(Theo VOV)