Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Chậm và chưa mang tính đột phá

01/11/2014

Cả ngày hôm nay (1/11), Quốc hội sẽ nghe thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Là một trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng theo kết quả của đoàn giám sát Ủy ban thường vụ, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện diễn ra chậm, nên kết quả đạt được còn hạn chế.

Thoái vốn ngoài ngành chưa đạt

Theo báo cáo, trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua, đã tiếp tục sắp xếp 92 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 71 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp.

Theo kế hoạch đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa và cuối quý III/2015 toàn bộ các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu.

Báo cáo nhận định, nhìn chung, các doanh nghiệp nhà nước đã bảo toàn và phát triển vốn, nhiều doanh nghiệp có mức vốn chủ sở hữu năm sau cao hơn năm trước, bảo đảm về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ, hoạt động kinh doanh ổn định, hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước.

http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/znaets/2014_11_01/dai_bieu_quoc_hoi.jpg

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Du Lịch phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Cụ thể, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2013 là 960 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2012 (năm 2011 tăng 11,3%, năm 2012 tăng 26,7%); giá trị tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2013 đạt 2.387 nghìn tỷ đồng tăng 33% so với năm 2010; thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 218 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012 (trong khi năm 2011 giảm 8% và năm 2012 giảm 6%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương đối ổn định, doanh thu năm 2013: 1.471.018 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng. Doanh nghiệp nhà nước tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thu nhập lao động chung của cả nước.

Mặc dù vậy, việc thoái vốn ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm. Theo báo cáo, có gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính cần thoái vốn những trong thời gian qua lĩnh vực này mới chỉ thoái được gần 4.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2013 đã thực hiện thoái vốn 965 tỷ đồng (trong đó có lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư); trong 7 tháng của năm 2014 đã thoái vốn được 2.975 tỷ đồng.

Tái cơ cấu không có đột phá

Mặc dù ghi nhận sự chuyển biến của lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, song báo cáo giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ, tiến độ thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Việc triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chưa phân tích, xác định được cụ thể điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng doanh nghiệp qua đó có giải pháp tái cơ cấu, phát triển doanh nghiệp mà chủ yếu theo hình thức chuyển giao, sắp xếp, tổ chức lại trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước. Chưa xem xét, xử lý một số doanh nghiệp chần chừ trong quá trình triển khai tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các hình thức sắp xếp như giao, bán, chuyển đổi, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp còn gặp khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Chưa thật sự đổi mới về cơ chế quản lý, phương thức tổ chức sản xuất - kinh doanh khi chuyển qua mô hình mới. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu.

Ngoài ra, cơ chế, chính sách trong và sau cổ phần hóa còn nhiều hạn chế, tiêu chí phân loại doanh nghiệp chủ yếu dựa trên các ngành sản xuất - kinh doanh để xác định loại doanh nghiệp cần giữ lại 100% vốn nhà nước, loại doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối, không chi phối hoặc không tham gia cổ phần, trong khi đó các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau nên rất khó xác định.

Chưa có cơ chế rõ ràng, xác đáng theo nguyên tắc thị trường khi xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, đặc biệt là giá trị quyền sử dụng đất. Quá trình phê duyệt đề án tái cơ cấu từng doanh nghiệp nhà nước kéo dài. Việc bàn giao lĩnh vực công ích cần phải có đề án, phương án và cần sự đóng góp ý kiến của nhiều đơn vị, làm ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa, việc xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính còn gặp nhiều lúng túng.

"Một bộ phận doanh nghiệp nhà nước mà trực tiếp là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện quyết tâm cao thực hiện cổ phần hóa do e ngại sẽ phải cơ cấu lại tổ chức, bộ máy quản lý sau cổ phần hóa; chưa thực sự chủ động trong công tác thực hiện cổ phần hóa; nhất là việc tìm nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phát huy vai trò của Ban kiểm soát, bộ phận kiểm toán," báo cáo chỉ rõ./.

 

(Theo TTXVN)