Đại biểu Quốc hội hiến kế gỡ khó khăn thúc đẩy tăng trưởng

31/10/2014

Phát biểu bên lề buổi thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 vào ngày 30/10, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô đang đi vào ổn định, lạm phát giảm, cán cân thương mại được cải thiện. Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều thách thức, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu ý kiến trong phiên họp toàn thể tại hội trường tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015


Tăng cường kiểm soát nợ, thúc đẩy tăng trưởng

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2% và kiểm soát lạm phát ở mức là 5% tuy nhiên nền kinh tế còn nhiều thách thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận rằng nợ công từ năm 2008 trở lại đây có tốc độ tăng nhanh hơn, thời hạn vay nợ ngày càng ngắn lại gây một áp lực trả nợ rất lớn.

Nếu trước đây chúng ta không phải vay để đảo nợ thì từ năm 2012 chúng ta đã phải vay với số lượng vay ngày càng lớn. Thành công trong năm 2014 là chúng ta đã kéo giãn được thời gian trả nợ và tránh được áp lực lên vấn đề trả nợ của ngân sách Nhà nước vào những năm 2015-2016.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ rõ, vốn vay ODA là để cho đầu tư phát triển chứ không để phục vụ cho chi thường xuyên. “Chúng ta không tiêu dùng ngày hôm nay bằng sự trả nợ của con cháu chúng ta. Chúng tôi luôn luôn nhớ điều đó,” đại biểu Nguyễn Đức Kiên bày tỏ.

Bên cạnh mục tiêu tăng cường kiểm soát nợ, trước tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, Chính phủ cần tập trung mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất. Quốc hội cần xem xét sửa đổi các luật thuế có liên quan để tạo điều kiện thúc đẩy mục tiêu này, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu Trương Văn Vở nêu ý kiến, một trong nhưng giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh là ưu đãi về thuế, ưu đãi về thuế thu nhập, lãi suất của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công mà trọng tâm là doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp nông thôn, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là góp phần tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, nếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn hơn sẽ tác động tiêu cực đến chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng trưởng.

Giải quyết nghịch lý: Đào tạo nhiều, chất lượng thấp

Nhấn mạnh về vấn đề năng suất lao động thấp là hòn đá tảng cản đà tăng trưởng, từ góc độ các yếu tố đầu vào, kinh tế tăng trưởng dựa vào 3 yếu tố chính: lao động, năng suất và các nhân tố tổng hợp, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hà (thành phố Hà Nội) nhấn mạnh tăng năng suất lao động là vấn đến cốt lõi góp phần tăng thu nhập, cải thiệt chất lượng cuộc sống của người lao động và củng cố, phát triển doanh nghiệp, là hướng đi quan trọng sống còn, giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.

Tuy nhiên, “Hiện nay năng suất lao động của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á-Thái Bình Dương. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 của Malaysia và 2/5 đối với Thái Lan. Nguyên nhân là do Việt Nam thiếu nguồn lao động chất lượng cao.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2014, trong 14 chỉ tiêu có 1 chỉ tiêu không đạt, đó là chỉ tiêu về tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ đạt 47,8%. Đó là một con số rất thấp, đáng báo động đối với nguồn lực lao động cũng như chất lượng lao động của Việt Nam,” đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà bày tỏ.

Đặt vấn đề năng suất lao động thấp do đâu, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân đầu tiên chính là chất lượng lao động. Chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo, có đến 50% lao động chưa qua đào tạo.

Việt Nam đang hội nhập sâu hơn với khu vực và quốc tế. Sau năm 2015, nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết sẽ có hiệu lực và được thực hiện.

Cuối 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép lao động có tay nghề cao của các quốc gia ASEAN có quyền di chuyển tự do, đặt ra thách thức rất lớn cho vấn đề nguồn lao động của Việt Nam lao động giá rẻ không còn đủ sức cạnh tranh trên sân nhà.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng chúng ta cần nhìn nhận vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực một cách nghiêm túc, bởi đây chính là chìa khóa cho phát triển bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Một nguyên nhân nữa khiến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp được đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà chỉ ra là sự thiếu đồng bộ về cung của đào tạo và cầu của thị trường cùng những bất cập của hệ thống đào tạo khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.

Lấy ví dụ khi Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đi kiểm tra, thấy ở một huyện nông nghiệp nhưng tập trung quá nhiều học viên đào tạo sửa chữa xe máy, quá nhiều trung tâm đào tạo sửa xe máy, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng, đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của người lao động và của doanh nghiệp đang rất phổ biến.

Học viên tốt nghiệp các trường dạy nghề, thậm chí sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật, khi trúng tuyển vào các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại, không những ảnh hưởng quyền lợi người lao động mà còn lãng phí cho phí đầu tư cho đào tạo.

Đại biểu để xuất Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, dạy nghề để người học đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và yêu cầu của xã hội./.

 

(Theo TTXVN)