
Ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành việc cần thiết phải sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử (2008) bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý. Cụ thể, Luật Năng lượng nguyên tử (2008) chưa có sự tương thích với một số luật mới ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu nội luật hóa liên quan đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, chưa phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn mới của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế; phát sinh sự chồng chéo trong chức năng quản lý của một số bộ ngành; một số quy định thiếu tính khả thi; chưa đáp ứng hoặc theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ; quy định về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân và quản lý nhà nước đối với nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu chưa toàn diện, đầy đủ.
Nêu ý kiến tại Hội thảo, đại diện Trung tâm hạt nhân TPHCM đề nghị, dự án Luật cần làm rõ các khái niệm: bức xạ, năng lượng nguyên tử, năng lượng hạt nhân… bởi đây là những khái niệm chuyên môn. Nếu không giải thích cụ thể, rõ ràng khi luật ban hành và được thực thi sẽ gây khó hiểu.
Đồng quan điểm về việc cần làm rõ các thuật ngữ, luật sư Trương Thị Hoà (Đoàn Luật sư TPHCM) kiến nghị, cần giải thích rõ thuật ngữ “cá nhân Việt Nam” tại Điều 2 bao gồm người Việt Nam trong nước và người Việt Nam định cư nước ngoài để phù hợp với chủ trương người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc.

Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TPHCM góp ý tại hội thảo
Bên cạnh đó, đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, Dự án Luật cần làm rõ khái niệm “Nhà máy điện hạt nhân” nhằm đảm bảo phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tạo tính đồng bộ trong quy định pháp luật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung, hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý, vận hành, bảo vệ an ninh, an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân và các công trình phụ trợ liên quan. Quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục cấp phép, chứng chỉ đối với các hoạt động liên quan đến vận chuyển, sử dụng chất phóng xạ, nguồn phóng xạ.
Đồng thời, cơ quan soạn thảo luật cũng cần tính đến phương án điều chỉnh các văn bản luật hiện hành để thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo khi luật được ban hành.
Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM khẳng định tầm quan trọng việc ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các ý kiến từ đại biểu trong hội nghị sẽ được Đoàn ĐBQH TPHCM hoàn thiện, bổ sung và chuyển đến ban soạn thảo.