Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh lấy ý kiến góp ý Luật Quảng cáo
Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. HCM giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, qua hơn 8 năm thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, về cơ bản việc làm đã đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật vẫn còn nhiều nội dung bất cập, hạn chế như đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động. Một số quy định về chế độ trợ cấp thất nghiệp, căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp không còn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương; quy định, chính sách về bảo hiểm chưa thống nhất với các văn bản pháp luật khác.

Toàn cảnh Hội thảo
Góp ý cụ thể cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Ung Thị Xuân Hương - Chủ tịch Hội Luật Gia TPHCM đề nghị ở khoản 2 điều 4 nên bổ sung từ “tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân tham gia tạo việc làm”; Khoản 8 đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động “sử dụng nhiều lao động nữ, người cao tuổi” vì thực tế do đặc thù phụ nữ bị hạn chế trong việc sinh con, nuôi con nhỏ và hạn chế của người cao tuổi nên nhiều doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng lao động nữ, người cao tuổi, trong khi lao động nữ chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, nhà nước cần hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động nữ, người cao tuổi.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm chứ không chỉ quy định cơ sở dữ liệu về người lao động. Cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm sẽ đầy đủ thông tin về người lao động và việc làm, sẽ giúp kết nối thông tin giữa người lao động với việc làm, giúp nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạch định chính sách trong đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm…
Mặt khác, Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là đề án liên quan trực tiếp đến những đột phá chiến lược, lợi ích quốc gia, người dân và doanh nghiệp, trong đó yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động phải gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Luật gia Ung Thị Xuân Hương - Chủ tịch Hội Luật Gia TPHCM phát biểu góp ý tại Hội thảo
Liên quan đến quy định về dữ liệu cá nhân, bà Lượng Thị Tới - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, thực tế trên địa bàn TPHCM khi có biến động lao động thì việc truy cập cơ sở dữ liệu cá nhân của người lao động còn thủ công, gặp rất khó khăn và phải tuân thủ theo quy trình xin phép từ Trung ương, mất nhiều thời gian. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung vào dự thảo luật quy định chia sẻ dữ liệu cá nhân cho ngành chức năng được quyền truy cập trên một mã số nào đó trên cơ sở được quyền truy cập những thông tin cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan có liên quan.

Bà Lượng Thị Tới – Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM nêu quan điểm
Về một số quy định trong dự thảo Luật việc làm để phòng ngừa và giải quyết quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp của người lao động khi doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, cố tình hoặc vì lý do doanh nghiệp khó khăn mà chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đại biểu Phạm Văn Hiền -Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng, trong thời gian qua có rất nhiều người lao động là “nạn nhân” của tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN... dẫn đến việc họ không được hưởng các chế độ BHTN. Đại biểu Phạm Văn Hiền đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu người lao động đóng đến thời điểm nào tạo điều kiện hưởng thời gian đó, được tham gia đào tạo nghề bởi đây là yếu tố không do lỗi của người lao động.
Về chính sách đào tạo nghề cho người thất nghiệp, người lao động, theo đại biểu Phạm Văn Hiền, thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp khi nhận người lao động vào làm việc đều phải đào tạo lại. Đại biểu đề xuất nghiên cứu đánh giá cho doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận nghề nếu có đủ điều kiện theo quy định về đào tạo nghề. Trong thực tế, người lao động rất giỏi về nghề nghiệp nhưng chưa được đánh giá để có chứng chỉ nghề theo quy định.

Ông Phạm Văn Hiền – Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TPHCM
Tại Điều 43, đại biểu đề xuất ban soạn thảo cần làm rõ điểm a khoản 1 bởi “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật” là khó xác định. Hiện nay, tình trạng chậm, nợ BHTN của các đơn vị xuất hiện nhiều nên thủ tục chốt bị chậm. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần cho khoảng thời gian rộng hơn hoặc để cho người lao động tự lựa chọn là phù hợp nhất nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hoặc nhận trợ cấp thất nghiệp...
Đối với quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại khoản 1, đại biểu đề xuất mức hưởng trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng đã đóng BHTN gần nhất... Đại biểu đề xuất mức bình quân cả quá trình đóng để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội, đồng thời tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tính tỷ lệ hưởng, khởi điểm từ 60% tăng lên theo số năm đóng nhưng tối đa không quá 75%.
Tại khoản 2, đại biểu đề nghị nên cho người lao động bảo lưu thời gian đóng BHTN khi trên 144 tháng đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (bảo lưu số còn lại hoặc có thể cho tăng tỷ lệ hưởng theo số năm đóng BHTN) để thu hút người lao động tích cực tham gia BHTN và tránh biến động lao động cũng như có cách chính sách đối với người lao động đã đóng trên 144 tháng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp như nghỉ chờ hưởng lương hưu hoặc hưởng lương hưu.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu góp ý tại Hội thảo
Liên quan đến điều 43, Luật sư Trương Thị Hòa cơ bản đồng tình với những góp ý của các đại biểu, đồng thời đề nghị bổ sung người lao động bị sa thải, bị xử lý xa thải vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp; đề nghị làm rõ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức; đề nghị bổ sung điều khoản quy định về phương thức nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm nộp trực tiếp và nộp trực tuyến.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất xem xét quy định đối tượng yếu thế khi tham gia thị trường lao động, trong đó dự thảo Luật cần quy định rõ về việc nếu phát hiện ra những đối tượng này bị thiệt thòi thì báo cáo cơ quan nào; cần có quy định cụ thể vào dự thảo luật mức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận người lao động là đối tượng người khuyết tật, đối tượng người hoàn lương, đối tượng là trẻ em là thanh thiếu niên tùy đối tượng mà doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ bao nhiêu % từ ngân sách của thành phố để doanh nghiệp mạnh dạn hơn tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc; trách nhiệm của người lao động đối với doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM phát biểu kết luận Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM đánh giá cao các ý kiến góp ý tâm quyết của các đại biểu. Nhấn mạnh đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, liên quan đến số đông là người lao động như các chính sách việc làm, đào tạo việc làm, bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp, bảo vệ quyền lợi người yếu thế... để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân lưu ý các đại biểu tiếp tục nghiên cứu dự án Luật việc làm (sửa đổi) nếu còn có những ý kiến băn khoăn nên mạnh dạn đề xuất và gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH TPHCM để đoàn tổng hợp chậm nhất là ngày 11/4 tới. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ tổng hợp trình Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan xem xét. Dự kiến, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5 tới.