Đoàn ĐBQH TPHCM góp ý vào dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

08/04/2025

Chiều 8/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì Hội thảo.

Quốc hội không nằm ngoài dòng chảy của chuyển đổi số quốc gia

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng Quốc hội hiện đại, dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả

Tại Hội thảo, đa số đại biểu cho rằng, Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 còn có những quy định chưa phù hợp, chưa đầy đủ, nhất là cần phải phát triển theo khuynh hướng hiện nay là khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, cần ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với nhiều sửa đổi bổ sung so với Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 để theo kịp cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.

Góp ý cụ thể cho dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung khoản 3 điều 4 trong trường hợp có sự mâu thuẫn, khác biệt giữa Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên với Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thì áp dụng Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì nguyên tắc này đã được khẳng định trong Hiến pháp và là nguyên tắc cơ bản của hầu hết các văn bản pháp luật.

Toàn cảnh Hội thảo 

Tại khoản 1 điều 9, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bổ sung “Hội đồng đạo đức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, “Bộ quy tắc đạo đức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo” và bổ sung điều 3 giải thích từ ngữ “Hội đồng đạo đức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, “Bộ quy tắc đạo đức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Riêng điểm c khoản 4 Điều 17 đề nghị thay chữ “đánh giá đột xuất” thành chữ “đánh giá bất thường” hoặc “đánh giá không định kỳ”.

Đối với điều 26 phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển, đại biểu đề nghị bỏ chữ “tối thiểu” vì quy định tối thiểu 30% thì trong thực tiễn sẽ có thể áp dụng nhiều tỷ lệ khác nhau. Do đó, cần khẳng định "tác giả được chia 30%" để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều 41 đề nghị bổ sung nghĩa vụ: bảo vệ bí mật, công thức, công nghệ vì việc bảo vệ bí mật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng.

Luật sư Trương Thị Hòa phát biểu góp ý tại Hội thảo

Góp ý về quy định đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM kiến nghị Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung nội dung xây dựng chương trình đào tạo công nghệ cao (tích hợp nội dung về lập trình, AI, STEM) vào chương trình giáo dục phổ thông từ Tiểu học đến Trung học phổ thông và có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về công nghệ cao. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ để đào tạo nhân lực sát với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên và nhà khoa học trẻ có thể tham gia vào các dự án đổi mới sáng tạo ngay từ khi còn học tập. Tổ chức thí điểm tại một số địa phương mô hình giáo dục công nghệ cao tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM trước khi nhân rộng.

Ông Nguyễn Minh Châu – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM 

Đối với điều 57 của dự thảo Luật quy định ưu đãi đối với cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Nguyễn Minh Châu kiến nghị bổ sung các nội dung về: chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ và quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ startup công nghệ và chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thành lập. Cụ thể, cần có hỗ trợ tài chính, thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính; có cơ chế thu hút và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về lương, thưởng, BHXH và môi trường làm việc; quy định đảm bảo các quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN đối với các nhà khoa học, các chuyên gia làm việc trong các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; có chính sách hỗ trợ đầy đủ chế độ BHXH cho các chuyên gia, nhà khoa học ngắn hạn, hợp đồng theo dự án; ưu đãi thuế và cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Cho ý kiến đối với dự án luật này, đại biểu Trương Thị Kim Chi - Công Ty TNHH MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung cơ bản thống nhất các nội dung dự thảo luật, đồng thời đề xuất bổ sung định nghĩa cho khái niệm “trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo”. Đại biểu cho rằng, tại điều 49 có quy định về công nhận trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhưng chưa có định nghĩa thế nào là trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Riêng các cụm từ “cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", "khu tập trung dịch vụ hỗ tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo", "cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo", "khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo” là chỉ các khu cung cấp cơ sở hạ tầng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo không phải là tổ chức nên không thể là hình thức của tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Bà Trương Thị Kim Chi - Công Ty TNHH MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung 

Đối với khoản 2 điều 55, theo đại biểu Trương Thị Kim Chi, các cụm từ “trái với quy định của tổ chức nơi làm việc chính thức” và “thoả thuận với tổ chức đầu tư” không được định nghĩa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất giữa các cá nhân và tổ chức. Bên cạnh đó, quy định này chỉ ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân mà chưa làm rõ quyền lợi hợp pháp của cá nhân khi nghiên cứu, phát triển công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ mà các hoạt động nghiên cứu này không sử dụng kinh phí hay nguồn lực từ nơi làm việc chính thức. Do đó, đại biểu đề xuất quy định cụ thể hơn về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi cho người nghiên cứu, tạo động lực nghiên cứu phát triển, nhất là đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng phát biểu kết luận Hội thảo 

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng cho biết, tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để kịp thời triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã được thông qua 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nhấn mạnh đây là dự án luật gồm 14 chương, 108 điều và khối lượng công việc rất lớn, đại biểu Hà Phước Thắng mong muốn các đại biểu dành nhiều thời gian nghiên cứu cũng như rà soát lại các nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị liên quan đến phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để có những đóng góp xác đáng, phù hợp thực tiễn và gắn với 5 nội dung quan trọng theo định hướng của Bộ Chính trị.

Đại biểu Hà Phước Thắng cũng lưu ý các đại biểu tiếp tục nghiên cứu nếu có vấn đề nào cần trao đổi, góp ý thì gửi văn bản về Văn phòng đoàn ĐBQH TPHCM để đoàn tổng hợp, chuẩn bị nội dung thảo luận cho kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Linh Có