Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự án Luật Dẫn độ và coi đây là bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế. Song, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến chỉnh sửa một số điều để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đồng bộ với các bộ luật khác.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng chủ trì Hội thảo
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Dẫn độ, đại biểu Vũ Minh Phương - giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học An ninh nhân dân cho rằng, tại khoản 2, điều 5 có đề cập cơ quan trung ương về dẫn độ phải tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trước khi quyết định việc dẫn độ. Điều này mang tính nghiệp vụ nên không cần đưa vô luật. Bên cạnh đó, tại điều 31 của Dự thảo, kiến nghị thay cụm từ “bắt người trong trường hợp khẩn cấp về dẫn độ” bằng “giữ người trong trường hợp khẩn cấp về dẫn độ” cho phù hợp với quy định điều 110 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Cũng theo đại biểu Phương, tại điểm b, khoản 2, điều 7 đang đề cập đến cơ quan điều tra cấp huyện, tuy nhiên với mô hình tổ chức chính quyền hiện nay không còn phù hợp, do đó kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cân nhắc không quy định về nội dung này…

Ông Vũ Minh Phương - giảng viên khoa luật, trường Đại học An ninh nhân dân phát biểu
Theo đại biểu Lê Nguyên Thanh - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến điều 39 về việc từ chối dẫn độ của nước ngoài nên bổ sung từ chối dẫn độ trong trường hợp lý do nhân đạo như tuổi tác, sức khoẻ, gia đình… và tội phạm có tố chất hoặc liên quan đến chính trị và liên quan đến quân đội.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cũng đề nghị, cần bổ sung thêm nguyên tắc dẫn độ đối với người bị kết án tử hình tại khoản 3, điều 4 như vậy sẽ phù hợp với điều 13 của Dự thảo luật.

Các đại biểu tham gia Hội nghị góp ý dự án Luật Dẫn độ
Cũng tại Hội nghị, góp ý vào Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên tắc dẫn độ cần quy định rõ hơn về trường hợp Việt Nam có thể từ chối dẫn độ, đặt biệt là các tình huống liên quan đến quyền con người và các vấn đề chính trị nhạy cảm. Về thẩm quyền quyết định dẫn độ nên phân quyền cho toà án trong những trường hợp phức tạp để đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục dẫn độ để tránh trì hoãn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao và quyền lợi chính đáng của người bị dẫn độ.
Liên quan tới quyền lợi và nghĩa vụ của người bị dẫn độ, đại biểu Nguyễn Văn Tùng cho rằng, cần đảm bảo người bị yêu cầu dẫn độ được hưởng quyền bào chữa, quyền được biết về các tội danh bị truy tố và các quyền cơ bản khác theo công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng cho biết, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH TP.HCM ghi nhận, tổng hợp đầy đủ; góp phần chuẩn bị nội dung thảo luận về dự án Luật Dẫn độ tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV tới đây.