Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. HCM giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường

24/03/2025

Đoàn ĐBQH TPHCM vừa có buổi làm việc với UBND TPHCM và các Sở Ngành liên quan về việc thực hiện chính sách pháp luật (CSPL) về bảo vệ môi trường. Đây là một trong những chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025.

Đoàn ĐBQH TPHCM giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2024

Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh góp ý dự án Luật hoá chất (sửa đổi)

Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hoá luật Bảo vệ môi trường (BVMT)

Luật BVMT 2020 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2022. Đến nay, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá luật BVMT, để luật đi vào thực tiễn, mang đến nhiều cải cách quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường của địa phương. Cụ thể, HĐND ban hành 03 NQ, UBND Thành phố ban hành 12 quyết định, đồng thời, đang các đơn vị liên quan cũng trong quá trìnnh dự thảo 10 văn bản; xây dựng chi tiết kế hoạch, chương trình, đề án, dự án để triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020, Chiến lược BVMT quốc gia, Quy hoạch BVMT quốc gia…Các văn bản quy phạm pháp luật của Sở, ngành tham mưu đảm bảo trình tự, thủ tục, hình thức theo quy định của pháp luật. 

Việc tham mưu, ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực môi trường đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền lợi của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Toàn cảnh buổi giám sát (Ảnh: Hải Triều)

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, mặc dù các quy định của Luật được bố sung và hoàn thiện nhưng việc triển khai thực tế vẫn gặp một số vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính.

Trong đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về môi trường, xử lý vi phạm về BVMT được ban hành đầy đủ và điều chỉnh kịp thời tuy nhiên thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho việc thực hiện và áp dụng. Các nội dung liên quan đến vấn đề môi trường vẫn còn quy định rời rạc, dàn trải trong nhiêu văn bản pháp luật.

Cụ thể, Luật BVMT năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019 (đã sửa đổi), Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đối, bổ sung năm 2020), Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Phí và Lệ phí... Hiện nay, các luật này vẫn còn một số điểm chưa có sự thống nhất và còn tồn tại những khoảng trống pháp lý chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước. Một số điều, khoản chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chưa có sự hướng dẫn rõ ràng dẫn đến chưa bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng. 

Còn nhiều vấn đề mặc dù đã được luật quy định, thế nhưng, trong quá trình triển khai địa phương không hoặc chưa nhận được sự hướng dẫn từ phía Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường). Cụ thể: hướng dẫn về thực hiện và ký kết hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực xử lý chất thải; Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ…gây khó khăn cho việc hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện các yêu cầu về BVMT.

Thêm vào đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân vẫn còn thấp, bên cạnh đó mức xử phạt vi phạm hành chính với những sai phạm còn nhẹ, chỉ mang tính cảnh cáo chưa đủ răn đe để người dân thay đổi hành vi.

Thay đổi quy định của luật nhằm nâng cao ý thức BVMT

Tại buổi giám sát, UBND Tp.HCM kiến nghị kiến nghị sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2022/NĐCP ngày 07/7/2022 của Chính phủ để phù hợp với thực tiễn; xem xét sửa đổi Điều 151 Luật BVMT theo hướng quy định Quỹ BVMT cấp tỉnh là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ban hành Luật Khu công nghiệp trong đó có các quy định về hoạt động BVMT, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và cộng sinh trong Khu công nghiệp. Để đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước 2015 và Luật Đầu tư công 2019 cũng như giải quyết các vướng mắc trong việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ BVMT cấp tỉnh, kiến nghị Đoàn giám sát báo cáo Quốc hội.

Tp.HCM cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh tăng quy mô nguồn điện rác của TP.HCM trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII từ 123MW lên tối thiểu 240 MW để phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện trên địa bàn Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lệ - ĐBQH, Chủ tịch HĐND Tp.HCM ý kiến tại buổi giám sát (Ảnh: Hải Triều)

Các đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.HCM đánh giá cao nỗ lực của các Sở Ngành liên quan trong việc thực thi CSPL liên quan BVMT trên địa bàn Tp.HCM từ khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực bởi đây là lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Những nội dung báo cáo bám sát thực trạng liên quan môi trường diễn ra tại Tp.HCM.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị các đơn vị liên quan làm rõ thực trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn; các vấn đề liên quan việc nâng cao ý thức người dân trong việc điều chỉnh hành vi khi phân loại chất thải rắn tại nguồn. Đồng thời, kiến nghị cụ thể những quy định pháp luật trong việc xử lý những vi phạm liên quan. Việc triển khai CSPL liên quan môi trường không chỉ riêng của ngành môi trường – tài nguyên mà là trách nhiệm chung của nhiều Sở Ngành và cần thực hiện một cách đồng bộ.

Sau buổi giám sát, đoàn ĐBQH Tp.HCM sẽ tổng hợp, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội phục vụ cho Chuyên đề giám sát tối cao liên quan lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Hải Triều