Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024 và mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau Nghị quyết số 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/270120251140-nq-1.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ
Để hiểu rõ hơn về việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW trong xây dựng và phát triển Quốc hội số cũng như xem xét các dự án luật liên quan, nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025, Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi cùng đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội.
Phóng viên: Quan điểm của Phó Chủ nhiệm như thế nào về việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW đối với thực hiện Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Có thể nói, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57) đang là một chủ đề mang tính thời sự trong đời sống chính trị, xã hội của nước ta. Với những định hướng mang tính đột phá và nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt, Nghị quyết số 57 đem đến khát vọng đổi thay của quốc gia trong kỷ nguyên số.
Ngay sau khi Nghị quyết số 57 ra đời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 về xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030. Theo quan điểm của tôi, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 không chỉ góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 57, mà còn thể hiện quyết tâm, sự chủ động của Quốc hội trong việc đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/270120251142-222-pcn-npt.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn - đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Tôi cũng xin được nói thêm là trước khi Nghị quyết số 57 ra đời, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Kế hoạch số 81), Quốc hội khóa XV đã xác định rõ định hướng rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các luật có liên quan, nhất là các luật phục vụ trực tiếp hoạt động KH,CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 cho thấy Quốc hội không nằm ngoài dòng chảy của tiến trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo định hướng của Nghị quyết số 57. Nói một cách khác, Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 là những lời giải về phương thức để Quốc hội giải quyết các bài toán về nội dung đã được đề cập ở Kế hoạch số 81 và Nghị quyết số 57 nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế pháp lý, tạo đà cho sự phát triển và bứt tốc của KH,CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới.
Xây dựng, phát triển Quốc hội số cần đặt trong mối quan hệ biện chứng với triển khai Nghị quyết số 57
Phóng viên: Những công việc cụ thể cũng như khó khăn, vướng mắc và đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW đối với xây dựng và phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030 là gì, thưa Phó Chủ nhiệm?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Trước hết là về khó khăn, để hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 57 đã đề ra trong giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030, Quốc hội sẽ phải giải quyết một khối lượng công việc rất lớn. Đặc biệt là đối với giai đoạn 2024 – 2026, trong khoảng thời gian ngắn với rất nhiều sự kiện quan trọng của Quốc hội (kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam, chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ của Quốc hội, bầu cử Quốc hội khóa mới), Quốc hội sẽ đứng trước rất nhiều thách thức để vừa bảo đảm hoàn thành tiến độ, mục tiêu đề ra vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Ngay trong năm 2025 này, theo Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/1/2025 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 27 luật và 19 nghị định.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/270120251141-nq-2.jpg)
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Thứ hai về đề xuất, tôi xin phép không đưa ra bất kỳ đề xuất hay kiến nghị gì để giải quyết những khó khăn, thách thức nói trên. Bởi vì các giải pháp mà Quốc hội cần đều đã được đề cập đầy đủ ở Nghị quyết số 1343/NQ-UBTVQH15 và Kế hoạch hành động số 3260/KH-ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội ban hành 10/1/2025 để thực hiện Nghị quyết số 57.
Trong bối cảnh hiện tại, trước các yêu cầu, nhiệm vụ mới, cấp bách, nếu Quốc hội vẫn tiếp tục vận hành theo phương thức truyền thống sẽ không thể hoàn thành được yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên. Do vậy, đổi mới phương thức hoạt động, quy trình nghiệp vụ của Quốc hội dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số là đáp số phù hợp nhất để Quốc hội giải quyết các “bài toán” liên quan đến triển khai Nghị quyết số 57 nói riêng và thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan dân cử trong kỷ nguyên số nói chung. Việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển Quốc hội số giai đoạn 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030 cần đặt trong mối quan hệ biện chứng với việc triển khai Nghị quyết số 57, cần xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đánh giá hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (theo đúng tinh thần của Kế hoạch hành động số 3260/KH-ĐĐQH15 của Đảng đoàn Quốc hội).
Tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, tạo sự đột phá tài chính cho nhân lực công nghệ số
Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có thể chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban KH,CN&MT trong thời gian tới như thế nào để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW trong các dự án Luật quan trọng liên quan, đóng vai trò nền tảng mà Quốc hội đang xem xét như dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Phương Tuấn: Về phương thức thực hiện, trong năm 2025, tính đến thời điểm hiện tại, Ủy ban KH,CN&MT được phân công thẩm tra 09 dự án luật và triển khai 01 giám sát chuyên đề của Quốc hội. Như đã nói ở trên, với khối lượng công việc lớn, thời gian ngắn, áp lực về tiến độ và chất lượng cao, bên cạnh quyết tâm chính trị, nỗ lực công tác của tập thể Ủy ban và Vụ tham mưu, giúp việc, chúng tôi đã và đang đổi mới hoạt động, quy trình nghiệp vụ. Là Ủy ban được phân công theo dõi lĩnh vực khoa học, công nghệ, trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban đã đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
![](/content/tintuc/New2024/lanbl/270120251103-nq-3.jpg)
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
Ngoài việc vận hành thường xuyên trên môi trường điện tử, chúng tôi đã và đang sử dụng các công cụ hỗ trợ như Chat GPT, trợ lý AI... Song song với việc vận hành các công nghệ mới, cùng chia sẻ và làm giàu tài nguyên dữ liệu về khoa học, công nghệ, Ủy ban và Vụ chuyên môn cũng đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hữu quan để bảo đảm yêu cầu về bảo mật thông tin, an toàn, an ninh mạng.
Về nội dung công việc, hiện tại Ủy ban KH,CN&MT đang trong quá trình thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, tháng 5/2025) và dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, tháng 10/2025). Có thể nói, đây là những dự án luật mang đậm “tinh thần” của Nghị quyết số 57. Việc ban hành các dự án luật này có ý nghĩa tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế pháp luật trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong đó, việc xây dựng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm (i) Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; (ii) Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước; (iii) Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm bổ sung các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ số theo hướng: (i) thí điểm có sự giám sát của Nhà nước; (ii) cho phép cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong việc thử nghiệm công nghệ số mới, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số; (iii) áp dụng cơ chế ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế trong nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, phát triển công nghệ số chiến lược, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp dữ liệu lớn, công nghiệp an toàn, an ninh mạng, công nghiệp Internet vạn vật.
Để thể chế hóa những định hướng mang tính đột phá và nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt Nghị quyết số 57, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra 02 dự án luật nói trên, Ủy ban KH,CN&MT đã tổ chức khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp để bám sát thực tiễn, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan, tham vấn ý kiến các chuyên gia tiến hành rà soát tổng thể khung khổ pháp lý liên quan đến KH,CN, đổi mới sáng tạo và công nghệ thông tin. Trên cơ sở kết quả này, báo cáo thẩm tra Ủy ban đã tập trung vào các chính sách quan trọng liên quan đến nhiệm vụ tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, tạo sự đột phá, vượt trội như chính sách thử nghiệm có kiểm soát, chính sách ưu đãi về thuế, tài chính cho nhân lực công nghệ số, công nghiệp bán dẫn…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ nhiệm!