THẢO LUẬN TỔ 10: MỞ RỘNG PHẠM VI CỦA HÀNH VI MUA BÁN NGƯỜI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU VÀ TIỆM CẬN VỚI QUY ĐỊNH TẠI CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ LIÊN QUAN

08/06/2024

Sáng 8/6, thảo luận Tổ 10 cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh; việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân đến tự trình báo; quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người; chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân… nhằm đảm bảo tính khả thi của luật.

THẢO LUẬN TỔ 10: NGHIÊN CỨU BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT MẠNH MẼ NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10

Các ý kiến phát biểu tại Tổ 10 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Bạc Liêu, Thái Bình và Tiền Giang) bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người để kịp thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế và giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thời gian qua. Việc bổ sung các quy định vào dự thảo luật tương đối toàn diện, phù hợp với 03 nhóm chính sách lớn: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Đồng thời, cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến công tác phòng chống mua bán người và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự án luật, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo luật, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ “mua bán người” (Điều 2) là cần thiết và khái niệm này mang tính chủ đạo và là một trong những điểm mấu chốt của lần sửa đổi này (trong luật hiện hành không đề cập đến).

Dự thảo luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã quy định mở rộng phạm vi hành mua bán người đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cụ thể: Việc “chuyển giao” hoặc “tiếp nhận” người dưới 18 tuổi nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng thủ đoạn.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đồng thời, việc “tuyển mộ”, “vận chuyển”, “chứa chấp” không cần để chuyển giao, tiếp nhận nếu gắn với mục đích đối với người dưới 18 tuổi hoặc gắn với mục đích, thủ đoạn đối với người 18 tuổi trở lên cũng được coi là mua bán người.

Đại biểu cho rằng, quy định mở rộng hơn phạm vi của hành vi mua bán người so với quy định của Bộ luật Hình sự đáp ứng yêu cầu, tiệm cận với quy định tại các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với nạn mua bán người trong thời gian qua.

Về quy định về hành vi mua bán người đối với người dưới 18 tuổi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để có phương án bảo đảm có sự thống nhất đồng bộ với Bộ Luật Hình sự và các luật có liên quan về khái niệm “mua bán người”.

Các ý kiến cũng đề nghị quy định riêng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân mua bán người là 2 đối tượng: trẻ em gái, người bị mất năng lực hành vi dân sự. Bởi đây là những đối tượng rất đặc thù, có nguy cơ tổn thương rất cao và rất cần có sự bảo vệ ngay từ trong chính sách pháp luật. Quy định rõ “cơ quan, tổ chức nơi gần nhất” mà nạn nhân mua bán người có thể trình báo đến là những cơ quan nào, để có sự thống nhất, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo là khái niệm về “mua bán người”, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; đồng thời đề nghị cân nhắc một số quy định liên quan đến người dưới 18 tuổi, tránh trùng lặp với một số hoạt động bình thường, như dịch vụ đưa học sinh dưới 18 tuổi đi du học, dịch vụ vận chuyển người dưới 18 tuổi để lấy tiền...

Tán thành vối quy định về hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại và hỗ trợ y tế (Điều 38 và Điều 39) đối với nạn nhân mua bán người là hộ nghèo, cận nghèo, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề nghị cân nhắc hỗ trợ 2 năm (năm đó và năm liền kề). Bởi khó khăn nhất của nạn nhân là trong năm đầu tiên, còn năm sau có thể nạn nhân không thuộc hộ nghèo không có nhu cầu được hỗ trợ. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đánh giá tính khả thi của quy định này, bởi việc hỗ trợ này sẽ giao Ủy ban nhân dân huyện, liệu ngân sách của địa phương có đảm bảo đủ để thực hiện quy định này.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu 

Tại Điều 19 về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật. Vì hiện nay, nạn nhân của mua bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em gái như trước đây; mà nạn nhân còn là nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Theo đại biểu, việc bổ sung trách nhiệm Đoàn thanh niên tham gia vào việc phòng ngừa mua bán người vào dự thảo Luật lần này là cần thiết, phù hợp và cũng làm tăng thêm nguồn lực, tạo thêm sức mạnh của các tổ chức trong việc thực hiện phòng chống mua bán người hiện nay.

Góp ý về quy định về quyền của nhóm trẻ được sinh ra trong quá trình mẹ bị lừa bán ra nước ngoài, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình (Điều 11, Điều 24, Điều 26, Điều 44) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định quyền liên quan đến trẻ em được sinh ra trong quá trình mẹ bị mua bán sang nước ngoài.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung nghĩa vụ tự bảo mật thông tin cá nhân, thông tin nạn nhân tại Điều 6 khoản 2 luật này. Bởi hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự tham gia của các streamer, tiktoker, youtuber trên mạng xã hội, những vấn đề riêng tư của cá nhân trên mạng xã hội có tính hai mặt, nhiều trường hợp câu like, kiếm tiền, định hướng dư luận dẫn đến sự hiểu biết lệch lạc về quyền và lợi ích hợp pháp cũng như nghĩa vụ trong một bộ phận giới trẻ trong việc bảo mật thông tin cá nhân, nạn nhân...

Có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ nạn nhân trở về mang theo con nhỏ. Trên thực tế ở một số địa phương có một số trường hợp lấy chồng người Trung Quốc khi về nước mang theo con nhưng cả mẹ và con đều không có giấy tờ tùy thân, không có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh; khi đến tuổi đi học gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền công dân, quyền con người của trẻ em.

Đối với quy định về thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người (Điều 7), đại biểu đề nghị bổ sung nội dung tuyên truyền những quy định pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài; Mở rộng phạm vi, địa bàn, đối tượng tuyên truyền, vì ngoài hướng đến đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân, việc tuyên truyền cũng cần phải hướng tới những đối tượng tiềm ẩn hành vi phạm tội mua bán người....

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu

Trường Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành thảo luận Tổ

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu phát biểu

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 10

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác