THẢO LUẬN TỔ 10: NGHIÊN CỨU BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT MẠNH MẼ NHÀ ĐẦU TƯ CHIẾN LƯỢC VÀO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

31/05/2024

Chiều 31/5, thảo luận tại Tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu) cho ý kiến về 03 nội dung: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

THẢO LUẬN TỔ 10: CÓ PHƯƠNG ÁN ĐỀN BÙ THỎA ĐÁNG CHO NGƯỜI DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA TÂY, ĐOẠN GIA NGHĨA - CHƠN THÀNH

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 10

Cho ý kiến tại phiên thảo luận Tổ 10, các ý kiến cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Các đại biểu đóng góp thêm một số ý kiến, đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá, làm rõ thêm một số nội dung và kiến nghị một số chính sách cụ thể, nhằm phát huy hiệu quả cao nhất sau khi Nghị quyết được ban hành. Các ý kiến cũng thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Đối với nội dung về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trình Quốc hội xem xét quyết định.

Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Qua tổng kết Nghị quyết số 43-NQ/TW và quá trình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thấy, các quy định hiện hành chưa bao quát hết các vấn đề phát sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ tại Điều 3. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, tại khoản 2 về đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo quy định: Có cam kết phát triển lâu dài tại Thành phố với thời gian tối thiểu 05 năm (điểm đ). Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, thời gian 5 năm là ngắn bởi khi có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ có nhiều ưu đãi để doanh nghiệp hoạt động, nhất là trong lĩnh vực mới, khó và được Việt Nam quan tâm đầu tư nguồn lực.

Tại khoản 2, Điều 3 nêu các tiêu chí: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại khoản 1, Điều 12 Nghị quyết này; Có ký kết biên bản ghi nhớ với Ủy ban nhân dân Thành phố về hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; Có doanh thu toàn cầu năm gần nhất trên 25.000 tỷ đồng; Có cam kết hỗ trợ Thành phố về phần mềm, phần cứng, đào tạo nhân lực và các nội dung để phát triển vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; Có cam kết phát triển lâu dài tại Thành phố với thời gian tối thiểu 05 năm. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một số tiêu chí khác, đó là các doanh nghiệp, đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo phải là những doanh nghiệp thực hiện rất tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động, cũng như có mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 12) quy định nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng 6 nhóm điều kiện, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm hai điều kiện: Thứ nhất, phải có cam kết bằng văn bản về hợp tác với doanh nghiệp của địa phương, nhằm chuyển giao công nghệ, kiến thức, bồi dưỡng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển về kinh tế xã hội của địa phương. Thứ hai, nghiên cứu, cân nhắc bổ sung điều kiện có cam kết đầu tư dài hạn và có kế hoạch phát triển bền vững tại thành phố Đà Nẵng, bao gồm cả việc các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào việc thành lập và phát triển các trung tâm nghiên cứu, tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học quan trọng của thành phố Đà Nẵng.

Tại Điều 14 của dự thảo nghị quyết quy định về đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quy định nhiều ưu đãi liên quan đến thuế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, trên thực tế sau khi thời gian ưu đãi kết thúc, doanh nghiệp lại chuyển sang các địa bàn khác để được hưởng chính sách ưu đãi của các địa phương khác. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung những cơ chế, chế tài để kiểm soát vấn đề này, tránh lãng phí về đầu tư từ phía các địa phương cũng như từ các doanh nghiệp, dễ tạo ra khoảng trống, cũng như sự xáo trộn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một số ý kiến tại Tổ 10 cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các chính sách, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư chiến lược, trong đó chú trọng đến chính sách nhập cư thuận lợi cho người nước ngoài. Đơn cử như, việc sử dụng thị thực vàng cũng là chính sách quan trọng nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Hơn nữa, trên thế giới, có nhiều nước đã áp dụng chương trình visa đầu tư và đổi mới kinh doanh, cho phép nhà đầu tư nước ngoài nhận visa thường trú khi đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương; hay cung cấp các quyền cư trú dài hạn cho các nhà đầu tư, doanh nhân và các chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược… Đại biểu mong muốn, cơ chế này có thể được nghiên cứu thí điểm áp dụng - đây cũng sẽ là yếu tố thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng.

Cũng quan tâm cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đã nêu. Tuy nhiên, đối với quy định tại khoản 4 Điều 4 về Quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường quy định: Thành phố được thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với dự án trung tâm logistics. Trình tự, thủ tục chuẩn bị thu hồi đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc theo khoản 5 Điều này. 

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, cơ chế đặc thù có thể khác với luật, nhưng vẫn phải phù hợp với Hiến pháp. Điều 54 Hiến pháp đã quy định thu hồi đất đáp ứng các tiêu chí: sự cần thiết; mục tiêu quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và luật định. Đại biểu cho biết, Luật Đất đai đã cụ thể hóa nội dung này tại Điều 79 theo đúng nguyên tắc chỉ duy nhất Quốc hội mới có quyền quy định các trường hợp thu hồi đất. Trong đó, khoản 32 quy định trong trường hợp cần thiết khác phải sửa đổi, bổ sung Điều 79 và chỉ có Quốc hội mới có quyền quyết định. Do vậy, đại biểu nhấn mạnh, nghị quyết thí điểm có thể khác với luật, nhưng không thể trái với Hiến pháp, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo tuân thủ đúng Hiến pháp năm 2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, việc thí điểm cơ chế, chính sách là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó tổng kết để đưa vào luật. Trong đó, đối với thành phố Đà Nẵng đã có Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã có kết luận tổng kết các chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng (Nghị quyết 43-NQ/TW năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 119/2020/QH14. Theo đó, cho phép áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, giảm nhiều cán bộ, thay đổi về quy trình, phân cấp xử lý công việc, nếu thành công sẽ áp dụng ở nhiều đô thị khác; Đồng thời, áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng tại một số tỉnh, thành phố trong thời gian qua và bổ sung thêm một số cơ chế đặc thù mới về phát triển kinh tế-xã hội.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Bình, Tiền Giang, Bạc Liêu

Đại biểu Tạ Minh Tâm – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tiền Giang điều hành phiên thảo luận Tổ.

Đại biểu nghiên cứu tài liệu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu

Lan Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác