THẢO LUẬN TẠI TỔ 14 VỀ LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI): ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN

08/06/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 8/6, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 14, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ để đảm bảo công đoàn giữ vị thế độc lập về tổ chức, hoạt động, kinh phí đối với người, tổ chức sử dụng lao động.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: CẦN TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THÍ ĐIỂM TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Công đoàn; tiếp cận và xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh mà Luật chưa điều chỉnh; thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới và nâng cao vị thế, khẳng định vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Toàn cảnh phiên họp

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quán triệt, thể chế hóa các quan điểm của Đảng bằng các quy định cụ thể của dự thảo Luật. Trong quá trình triển khai thực hiện thời gian tới, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần hết sức quan tâm đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong việc tập trung phát triển về số lượng gắn với nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò công đoàn cơ sở, thu hút và kết nạp được đông đảo hơn nữa người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Cho rằng phần lớn các nội dung của dự án Luật phù hợp với những chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, một số ý kiến kiến nghị tiếp tục rà soát thêm, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật, làm rõ khái niệm “tài sản công đoàn” và mối quan hệ giữa “tài sản công đoàn“ với “tài sản công“ trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời cụ thể hóa trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là rất phù hợp. Các tổ chức khác của người lao động, sau khi thành lập và hoạt động một thời gian không hiệu quả thì có thể gia nhập tổ chức Công đoàn Việt Nam để có được lợi ích, đây là quy định rất thiết thực.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Về kinh phí công đoàn và phương án phân bổ kinh phí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện nay, kinh phí công đoàn theo quy định là 2 %. Thời gian qua khi có dịch Covid-19, có ý kiến đề xuất giảm mức kinh phí công đoàn, tuy nhiên, việc duy trì kinh phí này trong mấy thập niên qua đã tương đối ổn định, bảo đảm việc vận hành bộ máy công đoàn không phụ thuộc vào ngân sách. Mức thu này cũng không có tác động lớn đối với doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc duy trì cũng bảo đảm theo đúng kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến vấn đề này; bảo đảm nguồn lực để công đoàn thu hút, tập hợp đông đảo người lao động đến với tổ chức mình. Đồng thời, phương án phân chia được công đoàn tính toán rất hợp lý, trên cơ sở số người lao động tham gia vào tổ chức.

Về quy định quyền giám sát của tổ chức công đoàn, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng quy định này là phù hợp, bởi nếu không luật định thì công đoàn không tự mình để tổ chức được các đoàn giám sát, nhất là giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các doanh nghiệp, bảo đảm cho người lao động được bảo vệ tốt nhất.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, để đảm bảo được vai trò hoạt động của tổ chức công đoàn, cần đảm bảo nguyên tắc độc lập về tổ chức cán bộ và kinh phí. Tuy nhiên, trong thực tiễn, cán bộ công đoàn chuyên trách có số lượng rất hạn chế, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động bố trí, kinh phí hoạt động cũng ít ỏi nên hiệu quả hoạt động của công đoàn không đạt được như mong muốn.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Trong các quy định về điều kiện đảm bảo tổ chức hoạt động của công đoàn, dự thảo luật có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được đảm bảo thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn, tuy nhiên thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, đảm bảo tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Đại biểu cũng cho biết, các Điều 6, 7, 8 trong dự thảo luật có quy định về tổ chức của Công đoàn Việt Nam, tuy nhiên, Điều 2 về phạm vi điều chỉnh lại không bao gồm tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung để đảm bảo phạm vi điều chỉnh được quy định đầy đủ.  

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến

Đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp thảo luận tại phiên họp./.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác