THẢO LUẬN TỔ 5: TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN CĂN BẢN TRONG SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI VIỆT NAM

08/06/2024

Chiều ngày 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

THẢO LUẬN TỔ 5: CẦN THIẾT SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

Toàn cảnh Phiên họp

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đối tượng thụ hưởng của Chương trình là: Người dân, cộng đồng dân cư tại các vùng miền của Tổ quốc; cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa, công chúng, khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; các di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và di tích cấp quốc gia; các di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và một số di sản văn hóa phi vật thể có giá trị tiêu biểu thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; các di sản tư liệu được ghi danh vào Danh sách quốc gia, khu vực và thế giới; các bảo tàng trong hệ thống bảo tàng công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các thiết chế văn hóa, không gian văn hóa, sáng tạo...

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Các đại biểu tại Phiên họp

Về quy mô, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ và cho rằng, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội 10 năm 2021 - 2030; ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và Kết luận của Hội thảo Văn hóa năm 2022 về “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai bày tỏ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đồng thời cho rằng, Chương trình nếu được thông qua và triển khai thành công sẽ giúp đất nước có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hoá, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia.

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cũng tán thành với sự cần thiết của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm góp phần đáp ứng đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật nhà nước về phát triển văn hóa Việt Nam như Kết luận số 42 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 572 của Quốc hội và Nghị quyết số 68 của Quốc hội… Đồng thời, tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam; tạo động lực khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền tư tưởng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Tuy nhiên Chương trình có đề cập tới đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa ở nước ngoài. Đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, nội dung này chưa được đề cập trong Luật Đầu tư công. Do vậy, cần nghiên cứu sao cho phù hợp với quy định của nước sở tại. Về hồ sơ Chương tình, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm dự thảo Nghị quyết, các Chương trình, dự án, nhiệm vụ cụ thể...

Quan tâm đến việc phân chia các dự án thành phần và phạm vi hoạt động của Chương trình, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay Chương trình đang xây dựng theo nhóm nội dung thành phần mà chưa có danh mục dự án. Theo đại biểu, Chính phủ cần thiết kế phân chia thành các dự án thành phần theo Luật Đầu tư công với phạm vi thực hiện trong cả nước.

Hiện nay trong dự thảo Chương trình, có nội dung quy định ngoài việc thực hiện Chương trình trong cả nước, còn thực hiện ở cả một số nước trên thế giới có quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc có quan hệ văn hóa lâu đời với Việt Nam, các quốc gia có công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động và đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, đây là bước đi mạnh dạn trong quá trình hội nhập văn hóa của nước ta, sẽ góp phần tạo điều kiện quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới và cũng là cầu nối, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới về Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đối với các dự án trong Chương trình, các đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ để tránh sự trùng lặp với các dự án trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo không trùng về đối tượng, không trùng về mục tiêu và không trùng về nguồn vốn… Bởi trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia đều có các chương trình, dự án liên quan đến văn hóa. Ví dụ như xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, thể thao ở cấp xã, thôn, các trung tâm văn hóa cấp huyện, các dự án về tu bổ, tôn tạo các di tích văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…

Cho rằng, văn hóa là một lĩnh vực to lớn, có nhiều vấn đề trong đó, thậm chí nhiều vấn đề hôm nay thảo luận chúng ta chưa thể hình dung ra được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề: thay vì gọi là chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì chuyển thành chương trình quốc gia về phát triển văn hóa không? Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, phát triển con người, phát triển văn hóa là một chiến lược dài hạn của mỗi quốc gia, không chỉ thực hiện trong 10 hay 20 năm như đề xuất được Chính phủ đưa ra tại Tờ trình về chương trình này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa sẽ đưa ra những mục tiêu cơ bản, tổng quát, cũng như các giải pháp cơ bản, đặc biệt là đưa ra quan điểm chi phối trong dài hạn để tương xứng với vị trí của một chương trình quốc gia. Và trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chương trình quốc gia này sẽ thực hiện cụ thể bằng các kế hoạch đầu tư công trung hạn, yêu cầu dự toán ngân sách chi thường xuyên hàng năm phải bố trí cho thực hiện . “Xác định theo hướng này sẽ giải quyết được bài toán vừa bảo đảm có chi thường xuyên, vừa có chi đầu tư công. Hơn nữa, nếu bây giờ đưa ra ngay danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia này thì có chắc chắn về tính khả thi hay không khi mà điều kiện thực tế có thể thay đổi trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu vẫn xây dựng chương trình này theo mô hình của một chương trình mục tiêu quốc gia thông thường thì sẽ “mắc” rất nhiều trong quá trình triển khai. Do vậy, cần xây dựng một chương trình tổng thể, Quốc hội quyết định các mục tiêu cơ bản để trên cơ sở đó giao Chính phủ cụ thể hóa trong từng giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, Chính phủ sẽ xác định nhiệm vụ cụ thể, lượng vốn đầu tư thực hiện, thậm chí xác định cả những yếu tố về vật chất, phi vật chất, chính sách hỗ trợ thực hiện…

Một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải 

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Dương Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác