THẢO LUẬN TỔ 13: CẦN THIẾT PHẢI BỔ SUNG CÁC ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI

25/05/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 25/5, thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lạng Sơn về điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đồng thời ủng hộ việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình.

THẢO LUẬN TỔ 13: RÀ SOÁT, LÀM RÕ CÁC LOẠI VŨ KHÍ THÔ SƠ QUY ĐỊNH TRONG LUẬT

THẢO LUẬN TỔ 13 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ: NHẤT TRÍ BỔ SUNG ĐỐI TƯỢNG CẢNH VỆ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận Tổ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận Tổ

Các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hồ sơ Chính phủ trình đáp ứng được quy định tại Điều 20 của Luật Đầu tư công và Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với đầy đủ các báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và các phụ lục đi kèm, báo cáo đánh giá tác động…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều tuy nhiên theo thống kê, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hết sức khó khăn. Theo Báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 của cả nước là còn 2,93%. Trong khi đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng 17,82%, cao gấp 6 lần so với tỷ lệ nghèo chung của cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số có 15% dân số nhưng chiếm hơn 50% số hộ nghèo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phân tích, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP 2021 của Chính phủ về chuẩn nghèo đa chiều, ngoài chỉ số về thu nhập còn có 6 chỉ số đo lường về dịch vụ xã hội cơ bản gồm việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh thông tin. Nếu thiếu hụt 3 chỉ số trở lên được coi là nghèo.

Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang và Lạng Sơn

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc mở rộng các đối tượng thụ hưởng của Chương trình áp dụng cho 4 nhóm gồm: một số trường dự bị đại học, trường đại học; các trường phổ thông dân tộc nội trú; một số trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện; các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các đồng bào dân thiểu số. Như vậy, trong 04 nhóm đối tượng mở rộng, ứng với 3 chỉ số để xác định hộ nghèo là chỉ số của giáo dục, y tế và thông tin văn hóa. Đại biểu cho rằng khi mở rộng Chương trình và đầu tư thêm cho các nhóm đối tượng này chính là có thêm điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới cũng đã yêu cầu ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa phải được kiên cố, nâng cao chất lượng và mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc tự trú, bán trú. Đây là những cơ sở chính trị hết sức vững chắc và cơ sở thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, khi điều chỉnh Chương trình cần phải thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên nội dung điều chỉnh lần này không nhiều chủ yếu về nguồn vốn và bổ sung đối tượng. Do đó, đề nghị có thể xem xét đưa vào Nghị quyết chung Kỳ họp thứ 7.

Lưu ý thời gian còn lại để thực hiện Chương trình không nhiều, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, ban hành ngay danh mục các đối tượng thụ hưởng cụ thể. Trong quá trình xác định danh mục các đối tượng cần lưu ý tránh trùng lắp, nhất là các đối tượng đã được đầu tư theo Chương trình phục hồi kinh tế và các đối tượng được đầu tư theo Nghị quyết số 99/2023 của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các đối tượng thụ hưởng của chương trình, đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, tại Kỳ họp thứ 5, tháng 6/2023, Quốc hội đã xem xét nội dung trả lời chất vấn liên quan nội dung này. Trên cơ sở đó, đã ban hành Nghị quyết số 100/2023/QH15 yêu cầu trong 2023 phải nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia này.

Đại biểu Ngô Trung Thành cũng cho rằng để quy định cụ thể, rõ ràng hơn và thuận lợi hơn cho quá trình tổ chức thực hiện và thống nhất với các nội dung cần đưa vào Nghị quyết kỳ họp, không cần phải ban hành một nghị quyết quyết riêng. Tuy nhiên đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi đây là một Chương trình lớn, qua chất vấn vấn đề này và theo Nghị quyết số 100/2023/QH15 đòi hỏi phải có những đề xuất sửa đổi căn cơ hơn, những nội dung thực sự cần thiết để thực hiện được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra của Chương trình. Đại biểu cho rằng hai nội dung đề xuất lần này chưa thực sự căn cơ. Trường hợp Chính phủ khẳng định với các nội dung đề xuất sửa đổi này hoàn toàn thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình như Quốc hội đã đề ra thì Quốc hội cũng sẽ rất yên tâm. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm

Trong khi đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm đề nghị Chính phủ rà soát, cân nhắc về sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong bối cảnh thời gian thực hiện Chương trình chỉ còn hơn một năm. Đồng thời, dẫn chứng thực tiễn của Lạng Sơn, duy nhất một xã đặc biệt, ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng người dân trong xã hoàn toàn là người Kinh. Nếu các đối tượng này không được thụ hưởng chính sách sẽ là bất cập, nhưng nếu thụ hưởng lại chưa hoàn toàn đúng theo quy định. Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm đặt vấn đề phải xem xét để điều chỉnh đối tượng, có điều chỉnh phù hợp nhất.

Đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, Ủy ban Dân tộc là cơ quan được giao làm chủ chương trình, có 23 bộ, ngành tham gia và triển khai tại 51 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 8 địa phương tự bố trí nguồn vốn của địa phương để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ đã giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì và đang lập hồ sơ. Tuy nhiên, vướng mắc trong thực tế nổi lên hai nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội. Đó là về quy định rõ nguồn vốn bố trí bao gồm cả nguồn vốn đầu tư phát triển và nguồn vốn sự nghiệp. Việc này để giải quyết tính đồng bộ giữa chủ trương với công tác phê duyệt và bố trí nguồn vốn. Hai là việc thực hiện đầu tư tại một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc, các trường dân tộc nội trú, các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và một số trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện nằm ngoài địa bàn thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk 

Để đảm bảo thống nhất, đồng bộ và đặc biệt phục vụ cho công tác hậu kiểm sau này, đại biểu thống nhất theo đề xuất của Chính phủ về nguồn vốn đầu tư của Chương trình được bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 và kinh phí sự nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo các Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương hàng năm và các quy định hiện hành. Việc đề xuất điều chỉnh này, làm rõ nguồn vốn trong chủ trương đầu tư để đảm bảo được sự thống nhất, đồng bộ và những vấn đề sau này phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm toán... 

Qua nội dung nghiên cứu, đại biểu Y Vinh Tơr nhận thấy nội dung của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét là cần thiết. Hình thức nội dung điều chỉnh cũng không lớn, do đó hình thức đưa vào Nghị quyết của kỳ họp và có ghi nhận ý kiến đặc biệt về cách phân bổ nguồn vốn vào trong nội dung để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận tại Tổ 13

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác