THẢO LUẬN TỔ 2: ƯU TIÊN ĐẢM BẢO CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, TẠO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CHO LỰC LƯỢNG CẢNH VỆ
THẢO LUẬN TỔ 2: TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA LINH HOẠT ĐỂ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2
Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Thảo luận ở Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.
Tại phiên thảo luận, đa số các ĐBQH nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 112, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự án được lập phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
ĐBQH Trần Anh Tuấn
Đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, cần tăng cường quan tâm hơn đến việc đảm bảo cuộc sống, chỗ ở và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân khi địa phương thu hồi đất để triển khai thực hiện Dự án. Những nơi nào mà người dân cần được chuyển đổi nghề khi họ di dời đến nơi ở mới thì cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Liên quan đến nội dung đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), qua nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, hiện nay còn có một vấn đề liên quan đến cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2022. Hiện nội dung này còn có ý kiến khác nhau nên đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá thêm việc gia hạn thời gian giải ngân để thực hiện dự án được hiệu quả.
ĐBQH Đỗ Đức Hiển
Trong khuôn khổ Phiên họp Tổ, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh còn cho ý kiến về việc Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, các ĐBQH đồng thuận với việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình là cần thiết và cấp bách để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra. Việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14; Đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Các nội dung điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, không làm phát sinh đối tượng thụ hưởng chính sách và địa bàn đầu tư.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 2:
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.
Đại biểu Hà Phước Thắng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh điều hành phiên họp.
ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng, cần đảm bảo cuộc sống, chỗ ở và tạo công ăn việc làm ổn định cũng như có chính sách đào tạo nghề cho người dân khi địa phương thu hồi đất để triển khai thực hiện Dự án
ĐBQH Nguyễn Tri Thức tham dự Phiên thảo luận tại Tổ./.