THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ QUY ĐỊNH RÚT BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN

02/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đa số các ý kiến tại Tổ 2 thống nhất việc sửa đổi Luật lần này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH. Tuy nhiên, các đại biểu bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về quy định rút BHXH một lần.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: LÀM RÕ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ LỰA CHỌN DỰ ÁN THÍ ĐIỂM TRONG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KIẾN NGHỊ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VÀ Y TẾ

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 2 chiều 2/11

Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Mục tiêu của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; (ii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; (iii) Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); (iv) Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; (v) Đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất cao việc sửa đổi Luật BHXH lần này. Các đại biểu cho biết, người lao động và người sử dụng lao động rất quan tâm đến dự án Luật này, mong muốn việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ đi vào thực chất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH, đồng thời xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Còn ý kiến khác nhau về việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Một trong những nội dung được nhiểu đại biểu cho ý kiến tại tổ là việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Chính phủ trình Quốc hội hai phương án. Về vấn đề này, có nhiều loại ý kiến khác nhau:

- Loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực.

- Loại ý kiến thứ hai lựa chọn Phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

- Loại ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án Chính phủ trình vì cho rằng, (i) Phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi Luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần; (ii) Phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là tiền của người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 168 của Bộ luật Lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%. Đồng thời, đề nghị không nên thiết kế hai  phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để người lao động lựa chọn.

Đại biểu Dương Văn Thắng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Dương Văn Thắng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh lựa chọn phương án 2, chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Vì đối với quy định chỉ rút tối đa 50% BHXH một lần, đại biểu cho rằng, phần BHXH còn lại vẫn được bảo lưu để cộng dồn khi người lao động tiếp tục tham gia vào BHXH ở đơn vị mới, họ vẫn được ghi nhận và bảo lưu. Đồng thời cũng sẽ giải quyết hài hòa được quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội đưa ra. Còn khi người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH thì sẽ được cộng mới thời gian tham gia đóng BHXH và có nhiều thời gian tích lũy và nhiều cơ hội hơn để thực hiện hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Thắng cũng đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ chế công khai, minh bạch vì BHXH chủ yếu từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, do đó đây là cả hai đối tượng cần nắm được thông tin. Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nguyên tắc công khai, minh bạch Quỹ BHXH.

Liên quan đến quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, để giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, đại biểu Dương Văn Thắng đề nghị tăng cường biện pháp thanh tra và xử lý các vi phạm, đồng thời quy định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách về quản lý xã hội để tránh tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, người lao động và người sử dụng lao động rất quan tâm đến dự án Luật này, mong muốn việc xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ đi vào thực chất, xây dựng được chính sách an sinh lâu dài cho người lao động sau khi hoàn thành quá trình đóng góp cho xã hội. Đặc biệt, người lao động và người sử dụng lao động đều mong muốn mức hưởng của người lao động trong tương lai sẽ ổn định và đủ sống sau khi hết thời gian lao động.

Về cơ bản, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy thống nhất cao việc sửa đổi Luật BHXH lần này, trong đó diện bao phủ, đối tượng tham gia, mức đóng và phương án, chính sách hưởng BHXH một lần và các phương án khác.

Khác ý kiến với đại biểu Dương Văn Thắng về quy định rút BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu rõ, đoàn viên và người lao động đều mong muốn đề xuất với Quốc hội áp dụng phương án 1. Đại biểu nêu rõ thực tế không có quốc gia nào áp dụng hình thức cho phép người lao động được hưởng BHXH một lần nhưng do lịch sử quá trình hưởng BHXH của Việt Nam từ xưa đến nay, Luật BHXH đã quy định như vậy. Do đó, áp dụng quyền đương nhiệm của người lao động khi tham gia BHXH, khi người lao động rời khỏi thị trường lao động, mong muốn được hưởng BHXH một lần thì họ sẽ được hưởng.

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết, theo đánh giá của Công đoàn cơ sở của Tp. Hồ Chí Minh, phương án 1 là phương án tối ưu. “Chúng ta sẽ phải chấp nhận phương án thương đau vì sẽ có làn sóng rút BHXH một lần rất nhiều trong nhóm lao động ở khu vực sản xuất nhưng khi họ tham gia lại thì sẽ không được hưởng nữa và chúng ta phải chấp nhận”.

Đại biểu cho rằng, nếu chọn phương án thì những người rút BHXH một lần cũng sẽ rút rất nhiều trước năm 2025, do đó việc thiếu hụt đầu tiên là thiếu hụt lực lượng lao động cho các doanh nghiệp tham gia theo đúng quy định pháp luật.

Cần bổ sung quy định hành vi bị nghiêm cấm là chiếm dụng tiền đóng BHXH

Góp ý vào Điều 3 quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Vì những đối tượng như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, kiểm sát viên, người đại diện phân vốn của Nhà nước, của doanh nghiệp tại công ty, người quản lý điều hành HTX, liên hiệp HTX… không được hưởng lương. Vì những đối tượng này không phát sinh quan hệ lao động với chủ hộ kinh doanh, vừa làm chủ vừa là lao động, không có căn cứ để xác định mức lương tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị nên khuyến khích các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện thì phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần thiết quy định hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH tại Luật BHXH (sửa đổi) để làm tiền đề quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi của người sử dụng lao động tại pháp luật hành chính và hình sự.

Vì thực tế rất nhiều các trường hợp doanh nghiệp vi phạm đóng BHXH nhưng chỉ đến khi công nhân khiếu kiện do họ không được hưởng các chế độ hay công nhân ngừng việc tập thể thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề xuất dự thảo Luật bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm, cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ quyền lợi, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Về Điều 23 quy định chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lệ cho rằng, đây là một điều mới và phù hợp với nguyện vọng của người dân. Trên nguyên tắc có đóng thì có hưởng, tạo điều kiện cho người dân có tham gia BHXH nhưng chưa đủ 15 năm để nhận lương hưu thì vẫn có thể nhận trợ cấp hàng tháng khi đến tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, hiện tại Luật mới chỉ quy định mức trợ cấp hàng tháng được tính thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội và có quy định trường hợp được hưởng mức cao hơn khi đóng nhiều hơn nhưng đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhận thấy quy định vẫn chưa cụ thể. Do đó, đề nghị cần xem xét quy định cụ thể cách tính trợ cấp hàng tháng phải căn cứ vào thời gian tham gia BHXH của người dân và có điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng tương tự việc điều chỉnh lương hưu khi có sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Qua đó sẽ góp phần khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện và hạn chế được việc rút BHXH một lần.

Về Điều 28 quy định việc điều chỉnh thông tin tham gia BHXH bắt buộc vào BHXH tự nguyện, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần phải cụ thể hóa thời hạn nộp hồ sơ để kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận ở Tổ 2:

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tại Tổ 2

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng - Tổ phó Tổ 2 góp ý về chế độ hưởng BHXH đối với người ốm đau, thai sản.

Về quy định rút BHXH một lần, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho biết, theo đánh giá của Công đoàn cơ sở của Tp. Hồ Chí Minh, phương án 1 là phương án tối ưu. 

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần quy định chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động.

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về việc người lao động muốn rút BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý về vấn đề rút BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo xem xét khoản 3 điều 6 để đảm bảo quyền lợi của ng tham gia BHXH được đồng bộ.

Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý tại phiên họp./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác