THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG, ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI TRONG CÁC QUY ĐỊNH TẠI DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

02/11/2023

Chiều 2/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đồng thời đề nghị, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi đối với một số quy định được đề xuất tại dự thảo Luật.

THẢO LUẬN TỔ 10: TÁN THÀNH CHO PHÉP KÉO DÀI THỜI GIAN THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẾN HẾT NĂM 2024

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 10

Thảo luận tại Tổ 10, gồm 03 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Ninh Thuận, Bạc Liêu. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành nội dung phiên thảo luận.

Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 03 nội dung mới (Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng BHXH và Đầu tư quỹ BHXH); bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia BHXH, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ.

Theo đó, dự thảo Luật được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). So với Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có một số nội dung thay đổi chính như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc;…

Đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải xem xét, sửa đổi toàn diện để khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và để cập nhật, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Nhận định 11 nhóm chính sách được đề xuất quy định tại dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rất nỗ lực trong công tác tham mưu Chính phủ  nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của chính sách trên thực tế bởi trong bối cảnh hiện nay cần tính toán, cân đối với tình hình ngân sách nhà nước, quan tâm tới khả năng chi trả của ngân sách.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền, đại biểu tỉnh Bạc Liêu đề nghị, để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cần có các hình thức tuyên truyền đa dạng để chính sách đến được với các đối tượng đặc biệt là đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội 1 lần, đại biểu cho biết, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc luật hóa nhằm hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đại biểu đề nghị, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân chủ yếu của tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nếu vì lý do khó khăn kinh tế trước mắt thì cần có giải pháp phù hợp tạo điều kiện cho người lao động quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội. “Có thể giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động bằng hình thức cho vay tín dụng, vay ưu đãi,…”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với với quy định điều chỉnh số năm tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống còn 15 năm như dự thảo là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi); một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần cũng có thể tham gia hoặc quay lại tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu;…

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung cơ bản tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Theo đại biểu, hồ sơ dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, dày dặn và đồng tình với các căn cứ và quan điểm, mục tiêu đặt ra để sửa đổi luật. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cũng đã khắc phục để sửa đổi căn bản những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đáng lưu ý, dự luật lần này bổ sung thêm những nội dung mới về: trợ cấp hưu trí xã hội; quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội; đặc biệt, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;...

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã đề xuất bổ sung thêm hình thức trợ cấp hữu trí xã hội dành cho người cao tuổi mà không có lương hưu; trợ cấp hàng tháng dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ năm đóng để hưởng lương hưu. Với những bổ sung như vậy, có thể bảo đảm đa số người dân khi về già được hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, với những nội dung mới như vậy, đặc biệt là quy định liên quan đến rút bảo hiểm xã hội 1 lần và giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu đề nghị  cần có sự khảo sát, đánh giá tác động chính sách một cách toàn diện, kỹ lưỡng.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Khẳng định đây là dự án Luật có phạm vi rộng, tác động đến nhiều đối tượng, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật như những lỹ do Chính phủ đã nêu tại Tờ trình; đồng thời đánh giá cao nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội rất sâu sắc, trách nhiệm, chỉ ra được nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, tại điều 7 dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội đa tầng. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về khái niệm “hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng” được hiểu như thế nào, các tầng sắp xếp ra sao, cơ chế và chính sách đi kèm với từng tầng cũng chưa được quy định rõ và rất khó hiểu. Do đó, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung giải thích từ ngữ về “hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng” để bảo đảm minh bạch, dễ nhận diện và từ đó Nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp.

Ngoài ra, tại Điều 8 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu nêu thực tế, gần đây có tình trạng một số người lao động mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật để nghiêm cấm hành vi này.

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nêu quan điểm tại Phiên thảo luận về phương án đối với quy định bảo hiểm xã hội 1 lần, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề xuất lựa chọn phương án 2: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH."

Lý giải nguyên nhân lựa chọn phương án này, đại biểu cho biết việc quy định sẽ đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượt người hưởng BHXH một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành nhưng khi người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia); người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ BHXH với quyền lợi hưởng cao hơn; có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận BHXH một lần của người lao động trong thời điểm cần thiết, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 10:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 10

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng điều hành nội dung phiên thảo luận.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham dự Phiên thảo luận 

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu tham dự Phiên thảo luận 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận 

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Phiên thảo luận tại Tổ 10./.

Lê Anh - Trọng Quỳnh