Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi).
Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở hiện hành. Theo các đại biểu, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhà ở. Trong đó, cần quan tâm vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, bảo đảm rành mạch, rõ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện.
Đánh giá Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tiếp tục nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định trong các văn bản dưới luật đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cần nghiên cứu, xác định rõ tiêu chí, điều kiện về nguyên tắc nhà ở được tái định cư quy định tại Khoản 1 Điều 51. Nếu quy định như Dự thảo là: “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thì mang tính định tính, không có định lượng cụ thể, dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, cần xem xét lại quy định giao dịch về mua bán, thuê mua, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai không bắt buộc phải có giấy chứng nhận tại điểm a khoản 2 Điều 158 dự thảo cho phù hợp với quy định tại Điều 46 Luật đất đai nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. “Khoản 1 Điều 46 Luật đất đai sửa đổi quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất... là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...”, đại biểu lý giải.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Liên quan đến quy định về điều kiện là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở tại (Điều 37), đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, dự thảo không cần thiết phải quy định về điều kiện của chủ đầu tư dự án, vì hoặc là chồng lấn, hoặc là chưa thống nhất với các văn bản khác (pháp luật về đất đai, đầu tư không quy định về điều kiện “có kinh nghiệm để thực hiện đối với từng dự án”). Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 37 dự thảo.
Cũng theo đại biểu, thời hạn sở hữu nhà chung cư là quy định can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có đánh giá tác động đầy đủ, khách quan quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đồng tình với nhiều nội dung tại báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trên thực tế thị trường đã tồn tại loại hình nhà ở có thời hạn. Việc không quy định rõ loại hình “nhà ở có thời hạn” tương đồng với thời hạn sử dụng đất và mục đích sử dụng đất, có hay không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến sự minh bạch trong hoạt động quản lý cũng như hoạt động giao dịch mua bán, sử dụng của người dân.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị nghiên cứu bổ sung khái niệm “nhà ở có thời hạn” từ đó, hình thành thị trường cho loại hình bất động sản này vận hành minh bạch, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn sản phẩm nhà ở với mức giá tương ứng với thời hạn sử hữu nhà, thời hạn sử dụng đất và phù hợp với thu nhập, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cũng như của khách hàng, người mua và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đại biểu tỉnh Bắc Ninh cũng lưu ý, dự án luật Nhà ở (sửa đổi) thuộc nhóm 3 dự án Luật có nội dung liên quan mật thiết với nhau và đều được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, về sự đồng bộ giữa 03 dự án Luật, vẫn có những nội dung chưa thống nhất. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về: các nội dung lớn của dự thảo Luật như nhóm các quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về chính sách phát triển nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân...; Sự phù hợp của nội dung dự thảo Luật với chủ trương, đường lối của Đảng; Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; Tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Nhà ở năm 2014.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 13:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự Phiên thảo luận Tổ 13
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự Phiên thảo luận Tổ 13
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đa
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh và Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Nguyễn Văn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Thảo luận tại Tổ 13 gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh./.