NHẤT TRÍ TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ VIỆC LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM, BỎ PHIẾU TÍN NHIỆM
Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13
Dự thảo Nghị quyết gồm 22 điều, so với Nghị quyết số 85/2014/QH13, sửa đổi, bổ sung 15 điều và bổ sung 04 điều; có 07 phụ lục (bổ sung 02 phụ lục mới). Trong đó, dự thảo đã bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung mới liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh; về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về các hành vi bị nghiêm cấm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND;… Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội sẽ được xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Góp ý vào nội dung cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các đại biểu lưu ý cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quy định số 96-QĐ/TW, bảo đảm sự đồng bộ giữa quy định của Nghị quyết của Quốc hội với quy định của Đảng. Đồng thời, bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch, đúng pháp luật; tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Về tên gọi, đa số nhất trí với tên gọi của dự thảo Nghị quyết. Theo đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc giữ nguyên tên gọi là phù hợp vì tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ Nghị quyết số 35/2012/QH13 đến nay; phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo dự thảo Nghị quyết cũng cơ bản kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 85/2014/QH13.
Tán thành với phạm vi đối tượng được Quốc hội, HĐND lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 06 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như tại khoản 5 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết là có cơ sở thực tiễn, thể hiện tính nhân văn và phù hợp với yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị, cần nêu rõ thời gian không điều hành công tác là từ 06 tháng liên tục trở lên để bảo đảm tính chặt chẽ.
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cũng bày tỏ băn khoăn, đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải rõ hơn về lý do dự thảo Nghị quyết không đưa một số chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn vào diện được lấy phiếu tín nhiệm, chẳng hạn như: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội thẩm Tòa án nhân dân,…
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội hàm giải thích thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm”; đề nghị rà soát, chỉnh lý một số nội dung tại căn cứ ban hành văn bản, về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm (Điều 5), về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm (Điều 6), về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8);…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
Nhât trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các đại biểu cho rằng, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 (Nghị quyết 54) cho thấy, nhiều kết quả tích cực được mang lại thông qua thực hiện những chính sách đặc thù . Tuy nhiên, các chính sách hiện hành cơ bản chỉ tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù. Phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt quan trọng, với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất toàn quốc, điều tiết số thu về ngân sách trung ương cao nhất, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.
Tại phiên thảo luận các ý kiến góp ý cụ thể vào 7 nhóm cơ chế, chính sách trọng tâm. Đồng thời, các đại biểu cũng lưu ý: Các quy định cần mang tính thiết thực, góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển; cần khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn; Chính sách mới cần “mang tính đột phá” mạnh mẽ, “vượt trội về chính sách” theo đúng tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội ; song cũng cần khả thi, phù hợp thực tiễn; có trọng tâm, tránh dàn trải;…
Trước đó, chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã làm việc tại hội trường nghe Tờ Trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 13:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13