THẢO LUẬN TỔ 10: SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG, TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ ỔN ĐỊNH CHO HỆ THỐNG NGÂN HÀNG

05/06/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều ngày 5/6, thảo luận Tổ 10, các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng nhằm tạo môi trường pháp lý ổn định cho hệ thống ngân hàng. Các ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, giới hạn cấp tín dụng, can thiệp sớm của ngân hàng….

THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH TRONG DỰ THẢO LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI) TRÁNH CHỒNG CHÉO, XUNG ĐỘT VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH

Toàn cảnh Tổ 10 thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp.

Cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đa số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng không còn phù hợp cần xem xét để sửa đổi, bổ sung. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu cũng như kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về và chỉ đạo cần sửa đổi chặt chẽ, toàn diện, luật hóa Nghị quyết 42. Nội dung của dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 giữ nguyên 48 Điều, sửa đổi bổ sung 144 Điều, bổ sung mới 10 Điều và cơ bản bao quát 2 nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ngày 16/6/2022, tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các Tổ chức tín dụng. Quy định tại Nghị quyết số 42 cần được nghiên cứu để luật hóa cũng như cần hoàn thiện thêm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Việc Quốc hội yêu cầu luật hóa Nghị quyết 42 cho thấy quan điểm kiên quyết của Quốc hội, không thể có một nghị quyết song song tồn tại cùng với Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội không đồng tình với đề xuất của cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét thông qua luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10.

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Lý Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, Chính phủ đã bổ sung thêm quy định tại Điều 17 của dự thảo Luật về ngân hàng chính sách xã hội.. Đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể... để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết; bổ sung, hoàn thiện các quy định theo hướng luật hóa các quy định đã được áp dụng ổn định, đã được kiểm nghiệm thực tiễn; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; việc xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp khó khăn về thanh khoản. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ băn khoăn, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ tại sao ngân hàng chính sách xã hội không cần phải tiến hành dự trữ bắt buộc như các tổ chức tín dụng khác; đồng thời đề nghị ngân hàng xã hội cũng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh đối với xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Góp ý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu có những quy định đảm bảo tính chặt chẽ, nhất là quy định đối với tài sản bảo đảm, những vấn đề quản lý tài sản thế chấp bảo đảm. Cần có quy định trong trường hợp tài sản bảo đảm khi có sai khác giữa thực tế và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người có tài sản thế chấp (như sai số về diện tích đất, tài sản trên đất, diện tích xây dựng...) để đảm bảo cho việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, tránh việc xảy ra tranh chấp khi xử lý tài sản bảo đảm có sự sai số giữa thực tế và trên giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Đồng thời, dự thảo luật cũng cần quy định rõ về quyền lợi, và nhất là trách nhiệm của người vay vốn có tài sản thế chấp bảo đảm nhưng được giao bảo quản để đảm bảo cho việc thu hồi tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm quy định tại điều 187 Dự thảo luật, đại biểu đề nghhij ban soạn thảo bổ sung “án phí” vào diện nghĩa vụ không có bảo đảm trong thứ tự ưu tiên thanh toán. Để những nội dung quy định này dễ áp dụng trong thực tiễn, đại biểu đề nghị trong Điều 187 thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm dự thảo kết cấu lại thành hai hai khoản, gồm: Khoản quy định riêng đối với tất cả các khoản thanh toán liên quan trực tiếp đến việc xử lý tài sản bảo đảm; Khoản quy định điều chỉnh đối với các nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm, cũng như việc thực hiện nhiều nghĩa vụ bảo đảm khác và sắp xếp lần lượt theo thứ tự ưu tiên thanh toán xử lý tài sản bảo đảm để rõ ràng, dễ áp dụng trong thực tiễn.

Khoản 3, Điều 91 Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng. Theo đó, “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngân hàng nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”. Đại biểu Vương Thị Hương nêu quan điểm, việc Ngân hàng nhà nước quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đối với hoạt động ngân hàng trên thị trường.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Vì vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết (trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường như đang quy định trong dự thảo luật), để đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng, Ngân hàng nhà nước mới thực hiện việc quy định cơ chế xác định phí, lãi suất. Tuy nhiên, để tránh việc tùy tiện trong áp dụng quy định này, cũng như tạo lập, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng, minh bạch, đại biểu đề nghị quy định rõ phạm trù “diễn biến bất thường” trong dự thảo luật, như thế nào là hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường? những hoạt động bất thường đó là những hoạt động nào?

Về can thiệp sớm tổ chức tín dụng, từ Điều 144 đến Điều 148, dự thảo Luật đã kế thừa quy định về áp dụng can thiệp sớm tại Luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập thời gian qua. Theo đó dự thảo Luật xây dựng mới quy trình can thiệp sớm, bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm, quy định một số biện pháp hiện nay đang áp dụng tại giai đoạn kiểm soát đặc biệt lên giai đoạn can thiệp sớm cho phép xử lý từ sớm, từ xa khi tình trạng yếu kém của tổ chức tín dụng chưa đến mức nghiêm trọng. Cho ý kiến về quy định này, có ý kiến đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định tại Chương về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước; Tăng trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn, người quản lý, giám sát tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng yếu kém.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị cần thiết tổ chức can thiệp sớm, nhưng trước khi tiến hành can thiệp cần tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ngân hàng. Bên cạnh quy định trách nhiệm của người đứng đầu ngân hàng, cũng cần quy rõ trách nhiệm của ngân hàng cổ phần, ngân hàng ngoài nhà nước; đồng thời trong thời gian tiến hành can thiệp sớm, không cho phép ngân hàng cổ phần mua bán cổ phiếu.

Một số hình ảnh tại Tổ 10:

Toàn cảnh Tổ 10 thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tại phiên thảo luận tổ.

Các đại biểu tại Tổ 10 phát biểu ý kiến.

Đại biểu Đặng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang phát biểu.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác