THẢO LUẬN TẠI TỔ 04: THIẾT KẾ LOGIC CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG THÔNG TIN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

02/11/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 02/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Nhất trí sửa đổi Luật này, nhiều đại biểu đề nghị cần thiết kế logic, khoa học các quy định về bảo vệ và sử dụng thông tin của người tiêu dùng.

THẢO LUẬN TỔ 04: ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI TRONG LỒNG GHÉP KIẾN THỨC PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu phân tích cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động lên mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử; đồng thời nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển. Do đó, cần thiết phải có cách tiếp cận phù hợp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam. Hơn nữa, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với điều kiện thực tế cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. Từ phân tích trên, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 04

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật lần này phải đảm bảo vừa khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, thực thi Hiến pháp năm 2013, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật hiện hành với các luật được Quốc hội ban hành nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần làm rõ sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo có cơ chế phối hợp và phân công trách nhiệm rõ ràng; giảm số vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng và mức độ nghiêm trọng của những vụ việc này; giải quyết hiệu quả các tranh chấp.

Cho ý kiến tại phiên họp tổ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu chỉ ra rằng, dự thảo Luật có thiết kế Điều 7 về "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương". Đại biểu cho rằng đây là một quy định cần thiết vì người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trong việc thực hiện các giao dịch mua bán, những người vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế, người già sẽ thực hiện rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn cần làm rõ một số nội dung về xác định đối tượng dễ bị tổn thương…

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh và một số đại biểu cũng đánh giá những quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là quy định rất cần thiết, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin người tiêu dùng rất quan trọng, tránh việc lấy thông tin này để làm việc không chính đáng khác. Tuy nhiên, theo các đại biểu, những nội dung này quy định chưa tập trung từ Điều 8 đến Điều 13; có thể thiết kế thành Chương riêng hoặc Mục riêng để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, khoa học.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững, đại biểu Đinh Thị Phương Lan- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi chỉ ra rằng, cần đảm bảo tính khả thi của những chính sách này, nhiều chính sách còn quy định chung chung, mang tính phiến diện. Do đó, đề nghị rà soát, cần có chính sách rõ ràng hơn, đột phá hơn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh, một số đại biểu cho rằng rằng dự thảo Luật đã khắc phục được một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh; đảm bảo áp dụng thủ tục của trọng tài thương mại, áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng dân sự, tổ chức xã hội đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án... Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án và Trọng tài.

Liên quan đến, nội dung về thương lượng, một số ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, để giải quyết tranh chấp, việc đề nghị thương lượng không chỉ là yêu cầu từ phía người tiêu dùng mà có thể là yêu cầu từ tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định theo hướng các yêu cầu thương lượng xuất phát từ phía người tiêu dùng, chưa quy định về các nội dung liên quan đến việc tổ chức, cá nhân kinh doanh là chủ thể đề nghị người tiêu dùng thương lượng. Để bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể trong quá trình giải quyết tranh chấp, đề nghị cân nhắc, quy định các nội dung liên quan trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh đề nghị thương lượng với người tiêu dùng. Việc quy định này cũng sẽ đảm bảo sự thống nhất đối với các Luật có liên quan.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tại phiên họp

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tại phiên họp

Đại biểu Lữ Văn Hùng- Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị rà soát để có chính sách rõ ràng hơn, đột phá hơn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng cần có cách tiếp cận phù hợp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận tại phiên họp./.

Hồ Hương- Phạm Thắng