THẢO LUẬN TẠI TỔ 15: CẦN CÓ QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐIỀU KIỆN CUNG CẤP DỊCH VỤ TIN CẬY

02/11/2022

Sáng ngày 02/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ 15 về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật và đề xuất nhiều ý kiến hoàn thiện.

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có bố cục gồm 08 Chương và 57 Điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Nội dung chính của dự thảo Luật tập trung vào việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và Chính sách 6 về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; dữ liệu và dữ liệu số; an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử…

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.

Đại biểu Quốc hội trong Tổ phát biểu

Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nhiều ý kiến bày tỏ tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần rà soát quy định cụ thể hơn để bảo đảm giao dịch điện tử thể hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ bảo mật thông tin cá nhân. Đồng thời, cần cụ thể hóa những trường hợp đặc thù khi cần thiết tiết lộ thông tin, dữ liệu, tính thống nhất về quy định trong hoạt động kiểm tra giám sát, khi mà thông điệp dữ liệu là một dạng văn bản có điều kiện từ tính toàn ven đến khả năng truy xuất nguồn gốc hay thông điệp dữ liệu có thể kết xuất trực tiếp thành bản cứng và sử dụng, đâu là tiêu chuẩn lưu trữ an toàn và quy định cho phép truy xuất hiệu quả thông điệp dữ liệu.

Liên quan đến nội dung quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy như dự thảo Luật, nhiều đại biểu cho rằng, quy định của dự thảo Luật có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiếu căn cứ khi thẩm định hồ sơ. Do đó, cần bổ sung các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với dịch vụ tin cậy.

Tại Khoản 3, Điều 29 dự thảo Luật quy định “Đối với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại thực hiện theo pháp luật về thương mại điện tử”, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 13 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, với 5 điều kiện về mặt hồ sơ. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động, chưa thể hiện rõ và chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31. Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung các hồ sơ bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy (điều kiện kinh doanh).

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, hiện nay trong quy định của dự thảo Luật mới chỉ quy định giao cho Chính phủ quy định toàn bộ các điều kiện cấp giấy phép chi tiết (Điều 33). Do đó, nên bổ sung ngay trong dự thảo Luật các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với dịch vụ tin cậy, bởi, nếu không bổ sung thì không đánh giá được tác động.

Đồng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Lại Văn Hoàn- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, theo quy định tại dự thảo Luật sẽ có những quy định có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và thiếu căn cứ khi thẩm định hồ sơ. Ví dụ như về điều kiện nhân sự không quy định cụ thể về số lượng, không quy định yêu cầu chuyên mốn đáp ứng là gì?... Do dó, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị, cần rà soát kỹ các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020.

Ngoài ra, đại biểu Hoàn cho rằng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong giao dịch điện tử.../.

Thu Phương - Phạm Thắng