DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): ĐẠI BIỂU BĂN KHOĂN VỀ TÍNH KHẢ THI

02/11/2022

Thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), một số ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhiều quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 còn chung chung, chưa đảm bảo tính khả thi.

THẢO LUẬN TỔ 01: ĐẠI BIỂU ĐỀ NGHỊ LÀM RÕ KHÁI NIỆM ''NGƯỜI TIÊU DÙNG, QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG''

Các đại biểu góp ý tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong sửa đổi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương, bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù… Tuy nhiên, đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của luật. Theo đại biểu, mặc dù các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều được đề cập, nhưng các chế tài bảo vệ lại nằm ở các luật khác, do vậy dự thảo luật cần phải lượng hóa một số quy định cụ thể hơn. Nếu không luật hóa trong luật này cần giao các cơ quan chức năng quy định để dễ dàng cập nhật các chế tài bảo vệ sang các luật khác, từ việc xử lý hành chính đến bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ và áp dụng trong thực tế.

Bên cạnh đó, đại biểu Khuất Việt Dũng cũng băn khoăn về việc hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong dự thảo luật chỉ quy định chung chung, phần lớn là các quy định khung. Theo đại biểu, công cụ bảo vệ mạnh nhất với người tiêu dùng là cơ quan quản lý nhà nước, tiếp đến mới là các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Đại biểu Khuất Việt Dũng, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có một chương mới so với luật hiện hành là chương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó có quy định về các giao dịch trên nền tảng số, trách nhiệm của tổ chức cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng. Đại biểu khẳng định đây là vấn đề rất lớn, bên cạnh nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, thì người tiêu dùng phải tự bảo vệ thông tin của mình, đặc biệt cẩn trọng trong việc cung cấp thông tin trong các giao dịch hàng ngày.

Đại biểu cũng trăn trở về tính khả thi khi áp dụng luật trong thực tiễn, bởi vẫn còn nhiều quy định trong dự thảo luật chưa giải quyết được những tồn tại, vướng mắc trong thực tế.

Mặc dù dự thảo luật quy định về vai trò của tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội tham gia vào bảo vệ người tiêu dùng nhưng trên thực tế vai trò giám sát của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đặc biệt là Hội Bảo vệ người tiêu dùng rất yếu từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn 8 tỉnh, thành phố chưa có Hội Bảo vệ người tiêu dùng, kinh phí hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương khó khăn, các cơ chế đảm bảo nguồn lực để Hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng cũng rất hạn chế. Vì vậy, việc dự thảo luật bổ sung vai trò của các tổ chức đoàn thể, mặt trận, tổ chức chính trị xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng nhưng nguồn lực và các quy định về cơ chế chưa đủ mạnh thì khó thực thi trong thực tế.

Quy định về công tác quản lý nhà nước bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa cụ thể, rõ ràng. Đại biểu Tạ Đình Thi cho biết, qua khảo sát tại nhiều địa phương, kinh phí dành cho hoạt động bảo vệ người tiêu dùng hạn chế, trong khi đó việc giao trách nhiệm quản lý về lĩnh vực này tại các sở công thương cũng không thống nhất, không có lực lượng hoạt động chuyên trách mà chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Bên cạnh đó, theo quy định của luật hiện hành, UBND cấp huyện là nơi tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng thế nhưng hầu như quy định này chưa được thực hiện và cũng chưa có đầu mối để người tiêu dùng phản ánh.

Đại biểu cũng nêu thực trạng nhận thức của người tiêu dùng thời gian qua chưa được nâng lên cho thấy công tác triển khai và áp dụng luật hiện hành khó khăn, thậm chí người tiêu dùng còn chưa biết đến văn bản luật này. Điều này cho thấy công tác truyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật vẫn còn hạn chế, vấn đề này thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa dành nguồn lực thích đáng cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên đề trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các địa phương gần như không được thực hiện, chủ yếu được lồng ghép vào các cuộc thanh tra về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, cũng khiến tính khả thi của luật chưa cao.

Đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.

Băn khoăn về nhiều nội dung của dự thảo luật còn khoảng trống, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nêu dẫn chứng tại điểm b, khoản 2 Điều 3 quy định: “Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”. Đại biểu nêu thực tế tại Việt Nam có nhiều quán hàng rong ở vỉa hè, lề đường nhưng lại phục vụ nhu cầu lớn, đông đảo của người tiêu dùng nhất là học sinh, sinh viên, nếu không quy định cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên phải đăng ký quản lý kinh doanh thì khó bảo vệ người tiêu dùng, tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tương tự, khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định: "Kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi nhận theo quy định của pháp luật; lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tiêu dùng bền vững, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; tuân thủ các điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản của người cung cấp sản phẩm, dịch vụ; tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm”.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng quy định như trên là chưa phù hợp vì một số loại hàng tiêu dùng hàng ngày người tiêu dùng có khả năng phát hiện được, nhưng nhiều loại hàng hóa không thể đánh giá bằng mắt thường, như thuốc, thực phẩm bị ngâm tẩm hóa chất. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như hiện nay là đang đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình, vì vậy ban soạn thảo cần cân nhắc quy định này cho hợp lý.

Quy định tại khoản 3 Điều 20 của dự thảo luật nêu: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cảnh báo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và thông báo về các biện pháp phòng ngừa". Theo đại biểu quy định này thiếu tính khả thi vì nhiều người kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát không được tập huấn để xác định mặt hàng có chất lượng, an toàn với người tiêu dùng hay không?.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho biết, dự thảo luật còn nhiều quy định chung chung, khó hiểu, khó áp dụng như quy định trong các điều Điều 26, Điều 27, Điều 72… Đại biểu cho rằng, với mong muốn sửa đổi luật để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, nhưng với những hạn chế vừa nêu, đại biểu băn khoăn liệu các quy định trong dự thảo luật chưa thể bảo vệ tốt hơn, thậm chí chưa thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng nếu không khắc phục được những hạn chế nêu trên./.

Lan Hương