THẢO LUẬN TỔ 04: ĐẢM BẢO TÍNH KHẢ THI TRONG LỒNG GHÉP KIẾN THỨC PHÒNG THỦ DÂN SỰ VÀO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

01/11/2022

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 01/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, cơ bản các đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị cần đảm bảo tính khả thi trong lồng ghép kiến thức phòng thủ dân sự vào chương trình giáo dục và đào tạo.

TỔNG THUẬT SÁNG 01/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN (SỬA ĐỔI)

THẢO LUẬN TẠI TỔ 04: THU HÚT NHÂN TÀI CẦN CHÍNH SÁCH HẤP DẪN ĐỦ MẠNH

Toàn cảnh phiên họp Tổ 04

Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tại Tổ số 04 đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã đã được phân tích tại Tờ trình; nội dung dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ các luật và hệ thống văn bản có liên quan, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Đồng thời, một số đại biểu chỉ ra rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật tương đối rộng, nhiều nội dung liên quan đến các luật chuyên ngành. Do đó, cần phân định được phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật khác; việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự theo hướng quy định những chính sách, nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự.

Liên quan đến vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chỉ ra rằng, tại các Điều 15, Điều 61, Điều 63 có quy định về tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, những điều khoản này chưa có tính khả thi cao vì Luật Giáo dục quy định chương trình giáo duc phổ thông thống nhất trong cả nước; nếu đưa thêm các môn học về phòng thủ dân sự trong giáo dục phổ thông sẽ gây khó khăn cho các đơn vị xây dựng chương trình; tạo sự xáo trộn về thiết kế sách giáo khoa, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên, trang thiết bị dạy học...Do đó, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng vấn đề này, đây là nội dung mới, cần có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị giải thích rõ về khái niệm và cách thức phân biệt giữa “sự cố” và “thảm họa”; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát, quy định hoàn chỉnh các khái niệm cần thiết khác cho rõ ràng, dễ áp dụng.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu và một số đại biểu tán thành quy định “sự cố” được điều chỉnh ở luật này phải là sự cố có nguy cơ gây nên thảm họa nhằm phân biệt với các sự cố tại các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần giải thích khái niệm này tường minh hơn để phân biệt với các thảm họa khác, bao quát các loại, dạng thảm họa, sự cố quy định tại các luật chuyên ngành.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng Luật Phòng thủ dân sự liên quan đến rất nhiều các luật khác, tuy nhiên trong dự thảo Luật chưa có đánh giá tính thống nhất về các cấp độ phòng thủ dân sự giữa luật này với các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, Dự án Luật quy định Quỹ phòng thủ dân sự được điều tiết từ các quỹ có liên quan nhưng chủ yếu là từ Quỹ phòng chống thiên tai và Quỹ bảo vệ môi trường. Đại biểu đề nghị rà soát kỹ nội dung về các quỹ ngoài ngân sách nhà nước này để tránh chồng chéo.

Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là một dự án Luật khó, trong xây dựng phải lường trước cả những điều chưa diễn ra, liên quan đến các vấn đề an ninh phi truyền thống, khi tình hình an ninh thế giới diễn biến phức tạp, các diễn biến rất bất ngờ, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước. Trước tình hình như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết, để khi có sự cố thảm họa, việc luật hóa sẽ giúp vận hành cơ chế chỉ huy, tham gia giải quyết nhanh nhất, có hiệu quả nhất, sớm đưa tình hình an ninh trở lại trạng thái bình thường.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nội hàm của phòng thủ dân sự nghĩa là không chỉ có quân đội tham gia, mà còn huy động sức lực từ người dân, trường hợp bà con Quảng Nam đào hầm, tránh bão, cũng là hoạt động phòng thủ dân sự. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khó tránh khỏi việc quy định trùng hợp giữa hoạt động phòng thủ dân sự với các hoạt động phòng chống khắc phục hậu quả chiến tranh, sự cố thảm họa, phù hợp với yêu cầu phát triển mới về an ninh truyền thống, phi truyền thống.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, trong việc thiết kế các cấp độ phòng thủ dân sự, cần phải làm rõ, một sự cố thảm họa gây tác động nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại nằm trên các tỉnh giáp ranh thì quy định ở cấp độ nào. Đồng thời, thiết kế các cấp độ phòng thủ dân sự cần tính đến việc quân đội đã có kinh nghiệm trong tổ chức diễn tập trung khu vực phòng thủ các tỉnh.

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, các quy định về trách nhiệm nhà nước đối với phòng thủ dân sự được thiết kế gồm 19 điều. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu quy định trách nhiệm của các Bộ ngành một cách ngắn gọn, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan trực tiếp đến phạm vi của Dự án Luật này để tránh dàn trải. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát về kỹ thuật văn bản để đảm bảo văn phong, từ ngữ cho chính xác…

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát làm rõ nội dung của khái niệm công trình phòng thủ dân sự, tiêu chí, cách phân loại gắn với từng loại công trình phòng thủ dân sự, yêu cầu khi xây dựng công trình này để bảo đảm tính khả thi, tránh phát sinh thủ tục, nghĩa vụ cho chủ đầu tư và phát huy được ý nghĩa về phòng thủ dân sự của các công trình.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp: 

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương chỉ ra rằng, các quy định về tuyên truyền, giáo dục về phòng thủ dân sự, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có tính khả thi cao

Đại biểu Hoàng Thanh Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng cần giải thích khái niệm "sự cố" tường minh hơn để phân biệt với các thảm họa khác, bao quát các loại, dạng thảm họa, sự cố quy định tại các luật chuyên ngành

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đề nghị rà soát kỹ nội dung về các quỹ ngoài ngân sách nhà nước này để tránh chồng chéo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là cần thiết, để khi có sự cố thảm họa, việc luật hóa sẽ giúp vận hành cơ chế chỉ huy, tham gia giải quyết nhanh nhất, có hiệu quả nhất, sớm đưa tình hình an ninh trở lại trạng thái bình thường

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị rà soát, nghiên cứu quy định trách nhiệm của các Bộ ngành một cách ngắn gọn, xác định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan trực tiếp đến phạm vi của Dự án Luật này để tránh dàn trải

Đại biểu Trần Thị Hồng An- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đóng góp ý kiến về một số vấn đề trong dự thảo Luật./.

Hồ Hương- Phạm Thắng