PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ TỌA ĐÀM CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC QUY ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ, TIÊU CHUẨN CỦA ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

29/08/2022

Sáng 29/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Tọa đàm "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc quy định các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc phân loại đơn vị hành chính".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Làm rõ căn cứ, tiêu chí xây dựng Nghị quyết sửa đổi liên quan đến quy định về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính

Toàn cảnh Tọa đàm

Đồng chủ trì Tọa đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển.

Tham dự Tọa đàm có: Cơ quan chủ trì soạn thảo gồm Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; các đồng chí Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan chủ trì thẩm tra; đại diện Hội đồng Dân tộc; lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, chuyên môn sâu đến từ các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính Phủ đã có Tờ trình, hồ sơ trình UBTVQH các dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị và Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo phân công, Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra các dự thảo Nghị quyết này.

Thời gian qua, để chuẩn bị thẩm tra 2 dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức nghiên cứu hồ sơ 2 dự thảo Nghị quyết, đồng thời đã có văn bản đề nghị một số cơ quan, tổ chức ở địa phương góp ý cụ thể một số nội dung của dự thảo Nghị quết và tổ chức một số cuộc làm việc với đại diện các cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan về một số nội dung sửa đổi, bổ sung ở 2 dự thảo Nghị quyết này. Với tinh thần "vào cuộc từ sớm, từ xa", ngày 29/7/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì cuộc làm việc để nghe Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan báo cáo về đề xuất sửa đổim bổ sung Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211.

Qua báo cáo và ý kiến của các cơ quan cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung 2 dự thảo Nghị quyết này được tiến hành trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành một số Nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng kinh tế - xã hội, về công tác phát triển đô thị, định hướng phát triển một số đơn vị hành chính, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị ban hành ngày 24 tháng 1 năm 2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, tại thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”. Vì vậy, tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu các Bộ chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, bổ sung, làm rõ các cội dung dự kiến sửa đổi 2 dự thảo Nghị quyết và cơ sở quy định tiêu chuẩn, tiêu chí đối với phân loại đô thị và đơn vị hành chính, bảo đảm đầy đủ các yêu cầu mới trong các Nghị quyết Trung ương cũng như kết quả của hoạt động giám sát chuyên đề của UBTVQH để thực hiện hồ sơ 2 dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Nhằm góp ý hoàn thiện 2 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, cơ sở lý luận khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị; căn cứ để phân loại đô thị theo vùng, miền và yếu tố đặc thù; căn cứ để sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực dự kiến thành lập phường, thành lập quận; cơ sở để xác định đô thị, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn; thực tiễn phân loại đô thị ở nước ta thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế về phân loại đô thị.

Thứ hai, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn phân định các đơn vị hành chính, xác định quy mô phù hợp của đơn vị hành chính; cơ sở để xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính; căn cứ xác định đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù; căn cứ xác định tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, quy mô dân số đối với đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù; kinh nghiệm quốc tế về tổ chức, phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ.

Thứ ba, các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

Trong quá trình tham gia ý kiến, căn cứ vào cơ sở lý luận thực tiễn và khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng mong muốn các đại biểu bám sát nội dung quy định của 2 dự thảo Nghị quyết. Việc sửa đổi, bổ sung cụ thể các nội dung trong 2 dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo phù hợp hay chưa, nên điều chỉnh theo hướng nào. Đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng mong muốn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học bằng kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết của mình tham gia ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, đề xuất nhiều nội dung thiết thực để tiếp tục hoàn chỉnh 2 dự thảo Nghị quyết, góp phần hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Lê Quang Hùng báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Tại Tọa đàm, báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung mục đích và nguyên tắc phân loại đô thị (Điều 2); sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù (Điều 9); sửa đổi, bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị và rà soát, đánh giá phân loại đô thị (Điều 12 và Điều 13); sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị (Điều 13a); sửa đổi, bổ sung Phụ lục các tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị (Phụ lục I, II, III).

Báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1211) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù; sửa đổi, bổ sung khoản 3 các điều 1, 2, 4 và 7 Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của 4 loại đơn vị hành chính (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận) theo hướng giảm tiêu chuẩn về số lượng đơn vị hành chính trực thuộc của tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương từ 11 xuống 9 đơn vị; huyện từ 16 xuống 13 đơn vị; quận từ 12 xuống 10 đơn vị…; sửa đổi, bổ sung Điều 11 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính ở hải đảo theo hướng tách thành 2 khoản quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính nông thôn ở hải đoả và tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị ở hải đảo để bảo đảm rõ ràng, dễ áp dụng; bổ sung quy định về cách tính điểm tăng thêm của các tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính theo phương pháp nội suy để thống nhất với cách tính điểm của các tiêu chuẩn khi phân loại đô thị…

Trình bày về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị, TS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị ngoài cơ sở pháp lý, cần nghiên cứu, làm rõ thêm cơ sở khoa học: lý luận về hoạch định không gian lãnh thổ, tổ chức các trung tâm động lực phát triển; lý luận về quản lý phát triển đô thị; lý luận về chất lượng về chất lượng sống đô thị; các yếu tổ tác động như xu hướng phát triển đô thị, điều kiện tự nhiên, văn hóa lối sống; trình độ quản lý phát triển; khoa học công nghệ…). TS. Trương Văn Quảng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các tiêu chí như dự thảo Nghị quyết số 1210 phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất pháp luật về quy hoạch, phân loại đô thị, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

TS.Trương Văn Quảng cũng đề nghị cần làm rõ, xem xét các tiêu chuẩn về đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, đặc điểm phân bố dân cư, lao động… Ví dụ, với các vùng như Vùng trung du và miền núi phía bắc… phải được phân nhỏ hơn thành các tiểu vùng, vì đặc điểm của vùng trung du có nhiều điểm khác với vùng miền núi. Đồng thời làm rõ, tiêu chí, tiêu chuẩn nào mang tính quyết định trong việc xác định tính chất và bảo đảm chất lượng đô thị.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Tọa đàm.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý vào nội dung đô thị thông minh và bền vững, đô thị xanh, đô thị du lịch biển, đề xuất một số giải pháp phát triển đô thị, đô thị thông minh, đô thị du lịch biển như cơ quan quản lý Nhà nước phải giữ vai trò điều phối các nguồn lực, xây dựng định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn và khung pháp lý thống nhất nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các đối tác, các thành phần kinh tế trong xã hội, phải tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp với nhau.

Đề cập về tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính đặc thù, GS.TS. Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trong quá trình rà soát, phân loại đơn vị hành chính và phân cấp chính quyền địa phương phải theo hướng tinh gọn, tăng việc mở rộng, hợp nhất, giảm sự chia tách. Đặc thù không phải là điều kiện nảy sinh về tư tưởng xin cho các tiêu chí đối với nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện muốn nâng cấp loại đơn vị hành chính cao hơn. Do vậy, nếu có những tác động chính sách thì cần cân nhắc “đưa con cá hay cần câu”.

Góp ý tại Tọa đàm, TS.Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đơn thị Việt Nam trình bày về căn cứ xác định đô thị, đơn vị hành chính ở đô thị và đơn vị hành chính ở nông thôn. TS. Nguyễn Thị Kim Sơn nhấn mạnh, việc xác định tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cần tính đến tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Đồng thời, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên cũng cần tính đến tiêu chí địa lý theo vùng, miền, tính chất địa hình cũng như khả năng phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội và tốc độ thị hóa của địa phương. Ngoài tiêu chí địa lý, tiêu chí dân cư cũng là một tiêu chí quan trọng trong cấu thành đơn vị hành chính.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu bế mạc Tọa đàm.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc ban hành hai Nghị quyết 1210 và 1211 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đánh giá, phân loại đô thị, phân loại, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua. Sau hơn 6 năm ban hành và thực hiện, về cơ bản cả hai Nghị quyết vẫn đang phát huy tốt tác dụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cũng cho thấy cả hai Nghị quyết đều đã bộc lộ một số hạn chế, có những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần được kịp thời tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, phục vụ việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 và đã yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành cả hai Nghị quyết này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, có căn cứ khoa học để tiếp thu, hoàn thiện các quy định liên quan trong dự thảo hai Nghị quyết, phục vụ quá trình thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào Phiên họp tháng 9 tới đây./.

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, phục vụ việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 và đã yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành cả hai Nghị quyết này.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Tọa đàm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào nội dung cơ sở lý luận khoa học và cơ sở thực tiễn để xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị; căn cứ để phân loại đô thị theo vùng, miền và yếu tố đặc thù; căn cứ để sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu vực dự kiến thành lập phường, thành lập quận; cơ sở để xác định đô thị, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn; thực tiễn phân loại đô thị ở nước ta thời gian qua và kinh nghiệm quốc tế về phân loại đô thị.

 Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng báo cáo tóm tắt những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung trong Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1211) về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

TS.Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trình bày về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị.

PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày căn cứ để xác định tiêu chuẩn đô thị có yếu tố đặc thù.

TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam

TS.Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đóng góp ý kiến về phân loại đô thị theo vùng miền: nên điều chỉnh phân loại đô thị theo vùng miền, việc điều chỉnh này là cần thiết và phù hợp.

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đề cập đến căn cứ xác định tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính đặc thù.

TS.Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam trình bày căn cứ xác định đô thị, đơn vị hành chính ở đô thị và đơn vị hành chính ở nông thôn.

TS.Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam trình bày cơ sở thực tiễn quy định các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị.

TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trình bày căn cứ sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường, quận.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác