VẪN CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ ĐỀ XUẤT CẦN BỘ SÁCH GIÁO KHOA DO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ

17/08/2023

Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp 25, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong triển khai chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Tuy nhiên cần hay không một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm biên soạn, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi qua ba năm học và những bản mẫu sách giáo khoa mới theo phương thức xã hội hóa cuối cùng đã đang chờ phê duyệt? Đây là vấn đề nhiều chuyên gia còn rất băn khoăn.

"NHÀ NƯỚC GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO TRONG BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA" - KIẾN NGHỊ TRÊN CƠ SỞ NGHIÊN CỨU THẤU ĐÁO, KỸ LƯỠNG, THẬN TRỌNG, LẮNG NGHE ĐA SỐ TỪ THỰC TIỄN

Cốt lõi của Nghị quyết 88 là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá gia tăng chất lượng, điều kiện dạy và học để đổi mới thành công

Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa chiều 14-8, theo đánh giá của Đoàn giám sát, “việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn được một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước”. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đưa quan điểm không cần thiết phải có thêm một bộ sách giáo khoa của Nhà nước. Dường như vẫn đang còn những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Theo Bộ trưởng, Nhà nước nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, là công cụ hỗ trợ giáo viên chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học bởi chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ sách giáo khoa - tức một bộ học liệu của nhà nước không. Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung cho học liệu không?”

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng sách giáo khoa và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà còn và hệ trọng hơn nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp. Bộ trưởng cho rằng, nếu lo lắng về an toàn an ninh sách giáo khoa thì điều này cũng không thành vấn đề, vì Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định…

Theo bộ trưởng, vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, trong đó giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện bảo đảm cho đổi mới giáo dục, làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu nhận định, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn phương án xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa để thu hút các nhà giáo dục, các thầy cô giáo tham gia cũng là phương án tốt. Tuy nhiên, bên cạnh tiếp tục kiểm soát chất lượng, Bộ cũng phải kiểm soát làm sao có cơ chế để qua việc biên soạn này sau khi lựa chọn xong, các sách giáo khoa đó thuộc bản quyền sở hữu của nhà nước. Theo đó, cần cân nhắc phương án có kinh phí để các nhà biên soạn được hưởng chi phí trong quá trình xuất bản, phát hành. Nhà nước sau khi mua bản quyền có thể in, ấn, phát hành với chi phí thấp nhất. Việc lựa chọn trong số nhiều bộ sách chắc chắn sẽ có một bộ sách tốt nhất, sát với chương trình nhất, và có thể coi đấy như một bộ sách của nhà nước.

Liên quan ý kiến Đoàn giám sát về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn bộ sách giáo khoa của nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc xin phép Quốc hội và trực tiếp trao đổi với các thành viên Đoàn giám sát để hiểu rõ hơn Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn Nghị quyết 122, khi biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu một môn học đã có ít nhất một bộ sách thì không biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước. Việc chưa ban hành được bộ sách theo quy định Nghị quyết 88, Quốc hội đã xem xét nguyên nhân, lý do về việc chậm trễ. Vì vậy, theo Chủ nhiệm Uỷ ban pháp Luật Hoàng Thanh Tùng, thay vì đánh giá Bộ GD-ĐT chưa ban hành được, chưa xây dựng bộ sách, nên phân tích hạn chế không có bộ SGK Nhà nước sẽ tạo ra vấn đề gì, cái gì đang vướng mắc". Ông Tùng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn bộ sách của Nhà nước

Nhiều chuyên gia băn khoăn Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa 

Các chuyên gia đều cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên biên soạn 1 bộ sách giáo khoa riêng để đảm bảo cho các đơn vị, nhà xuất bản cạnh tranh công bằng, xã hội hoá. Theo TS Nguyễn Hồng Quang, Đại học Sư phạm Hà Nội, sau gần bốn năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã có kết quả tích cực. Cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức đủ điều kiện tham gia biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước. Nếu thời điểm này Bộ GD&ĐT biên soạn thêm một bộ sách sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng và tốn kém cho xã hội, đặc biệt sẽ làm chính sách chống độc quyền thất bại. Việc xã hội hóa biên soạn và phát hành sách giáo khoa đã góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa nguồn học liệu phục vụ nhu cầu học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên. Giờ đây, sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh", là duy nhất. Thay vì Bộ GD&ĐT sử dụng ngân sách biên soạn thêm một bộ sách thì nên tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 122.

TS Nguyễn Hồng Quang phân tích thêm, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không có các bộ phận chức năng thực hiện các công đoạn xuất bản sách giáo khoa. Nếu Bộ GD&ĐT tự thực hiện thêm một bộ sách giáo khoa thì phải hình thành các bộ phận tương ứng như một nhà xuất bản. Từ đó, dẫn tới lãng phí nguồn lực, Quan trọng hơn hết, việc thay sách giáo khoa đã đi gần hết chặng đường nên nếu có thêm một bộ sách của Bộ GD&ĐT vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn. Điều này gây ra sự lãng phí về nguồn lực, công sức, trí tuệ và có thể nói sẽ đi ngược chủ trương xã hội hóa theo các Nghị quyết của Quốc hội.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn cũng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa là hoàn toàn không cần thiết, không khả thi và làm phức tạp thêm tình hình. bởi các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ.Thứ hai, Nghị quyết 122 của chính Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước nữa. Thứ ba, việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 88, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.Thứ tư, nếu Bộ GD&ĐT tiến hành biên soạn bộ sách của bộ thì phải làm lại từ đầu, bắt đầu từ lớp 1, nếu làm đồng loạt các cấp thì ít nhất phải mất 5 năm nữa mới hoàn chỉnh. Trong khi thực tế đã có đủ sách giáo khoa cho tất cả các cấp lớp rồi. Bộ sách "của Bộ" ra đời khi các trường đã dạy theo những bộ sách khác suốt 5 - 7 năm , bây giờ họ có sẵn sàng thay đổi không? Thứ năm, không thể nghĩ đơn giản việc chọn trong các bộ sách đã có để lấy một bộ sách làm sách của Bộ được, vì mỗi bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định và việc đánh giá bộ nào hơn bộ nào là bất khả thi.

Bà Nguyễn Thị Hà – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Quốc hội nêu quan điểm, không nên có thêm bộ sách do Bộ GD&ĐT biên soạn vào thời điểm này. Bởi khi yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa bằng kinh phí của Nhà nước rất tốn kém. Trong khi đó, hiện nay việc thay sách đã đi gần hết một chặng đường. Việc có một bộ sách vào lúc này có thể sẽ là một cuộc điều chỉnh chính sách rất lớn, cần phải huy động rất nhiều thời gian, nguồn lực. Trong khi đổi mới giáo dục không thể chậm thêm nữa.

Về băn khoăn, Bộ GD&ĐT nên lựa chọn các đầu sách từ các bộ sách giáo khoa hiện hành để tạo thành một bộ sách giáo khoa dùng chung trong cả nước, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, điều này cũng không phù hợp bởi mỗi một bộ sách đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Việc đánh giá bộ sách để sử dụng phụ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của từng địa phương. Đặc biệt, điều này có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc lựa chọn sách của các địa phương, dễ xuất hiện nguy cơ quay lại thời kì “độc quyền” sách giáo khoa như trước kia.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK. Đến năm 2020 Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ SGK được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong SGK. Đoàn giám sát đưa ra phương án mang tính rất mở là chuẩn bị nội dung của một bộ SGK.

Thiết nghĩ "Tinh thần đổi mới" còn nằm ở việc thay đổi quan niệm về sách giáo khoa. Hiện một bộ phận lớn giáo viên cả nước vẫn chưa buông bỏ được thói quen dạy học lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa, trong khi lẽ ra cần bám vào chương trình, mục tiêu, mở rộng nguồn tài liệu, đa dạng hóa phương pháp dạy học, đánh giá. 

Có một gợi ý là chọn lọc từ sách giáo khoa xã hội hóa để có bộ sách giáo khoa nhà nước. Nhà nước sẽ mua bản quyền và miễn phí tiền bản quyền này cho người dân để không ảnh hưởng đến giá sách giáo khoa. Một ý tưởng nhân văn, nhưng liệu có thể làm được điều đó không? bởi những đơn vị xã hội hóa đầu tư cho nhiều sách giáo khoa theo hướng trọn bộ với mong muốn có một cơ chế phù hợp để có thị trường cho toàn bộ sản phẩm. Chọn một bộ sách nhà nước trong khi sách giáo khoa xã hội hóa đã đảm bảo có đủ sách, chưa chắc lợi đến đâu nhưng đã nhìn thấy rất nhiều sự lãng phí.

Như vậy, vấn đề đặt ra không nằm ở việc phải biên soạn thêm một bộ SGK mà nhất thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ từ khâu biên soạn, in ấn phát hành và phải giảm giá SGK phù hợp với thu nhập của người dân hiện nay, đảm bảo được đổi mới phương pháp dạy và học.

Hải Yến