ĐBQH PHẠM HÙNG THẮNG: LÀM RÕ CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC HẠN CHẾ CỦA NỀN NÔNG NGHIỆP?

16/08/2023

Tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về giải pháp gì để khắc phục thực trạng của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát… ở nước ta hiện nay.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 15/8: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Nêu vấn đề trên tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, hiện nay, việc thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm ở một số địa phương còn chậm. Sản lượng và quy mô còn hạn chế, liên kết theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng chưa phổ biến. Kết nối liên vùng, kết nối thị trường còn rời rạc, chưa thống nhất, chi phí logistics còn cao.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thời gian tới Bộ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, việc liên kết theo chuỗi là chiến lược thay đổi thực trạng của nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nước ta. Chính tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát giữa những người sản xuất với nhau, thì việc liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là nhu cầu tối cần thiết. Chỉ có liên kết với nhau mới nâng cao được chất lượng của nông sản. Chúng ta chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, tức là bảo đảm yêu cầu, chuẩn mực của thị trường, có thể tạo ra giá trị cao hơn và ra được thị trường. Tuy nhiên, đây là thực trạng chúng ta còn chậm.

Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng, thậm chí trong 20% đó không phải chuỗi nào cũng bền vững, vì chuỗi ngành hàng bắt đầu từ người nông dân, sau đó tới doanh nghiệp để đưa ra thị trường, ở giữa là khoa học công nghệ, các nhà khoa học, nhà quản lý...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, cũng không phải dễ dàng để xâu kết các chuỗi khi sự phân chia lợi ích không đồng đều. Chúng ta phải làm sao nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này. Khi thuận hòa thì không có chuyện gì xảy ra. Chúng ta thấy câu chuyện được mùa mất giá, nông dân bội tín với doanh nghiệp, doanh nghiệp bỏ cọc hay thương lái bỏ cọc, bỏ lúa giữa đồng, bỏ quả chín rục trên cây. Như vậy, giải mã được chuỗi này đòi hỏi sự phát triển kinh tế hợp tác, nếu từng người nông dân trở thành chuỗi “9 người 10 ý”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, lúa gạo những ngày gần đây “sốt giá” gây ra rất nhiều vấn đề, tích cực cũng có, thu nhập của người nông dân cũng có..., nhưng bắt đầu cũng xuất hiện những đứt gãy nhất định hàng ngày, hàng giờ. Hay, sầu riêng ở Tây Nguyên cũng sốt giá khi có sự tham gia của những doanh nghiệp ngoài chuỗi hay có thương lái chỉ cần nâng một giá lên vì mục đích gì đó, thì người nông dân cũng sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với các doanh nghiệp.

Nếu không có chuỗi này thì chúng ta khó phát triển ngành logistics. Bởi, logistic không thể nào phục vụ cho một kinh tế hộ mà phải phục vụ với quy mô lớn hơn. Quy mô lớn hơn đó chính là chuỗi. Chúng ta cũng không thể nào số hóa với điều kiện manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Chỉ khi nào vào chuỗi, chỉ khi nào hợp tác xã đủ mạnh, thì chúng ta mới bắt đầu tiến hành số hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nếu không tham gia chuỗi, thì chúng ta cũng không biết sẽ đưa khoa học công nghệ vào đầu nào là hợp lý nhất và giá trị lan tỏa nhiều nhất?

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kiên trì cùng các địa phương để xây dựng những mô hình chuỗi một cách đồng bộ, hoàn thiện hơn và cùng các viện, trường, nhà khoa học, doanh nghiệp tác động để chuỗi bền vững hơn./.

Thu Phương