CHẤN CHỈNH KỊP THỜI VIỆC THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM HOÀN THUẾ VAT CHO DOANH NGHIỆP

17/08/2023

Tại phiên họp 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một lần nữa, vấn đề thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của Cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu, lại được các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu làm rõ trong nội dung xem xét báo cáo dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023. Đây là vấn đề đang gây cản trở lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT và sắp tới Uỷ ban Tài chính và Ngân sách sẽ tổ chức phiên giải trình để giám sát vấn đề này.

QUỐC HỘI ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH PHỦ THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ HOÀN THUẾ VAT CHO DOANH NGHIỆP

Ngành thuế đẩy nhanh việc hoàn thuế trên tinh thần đúng luật

Theo báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước cho thấy: Dự toán hoàn thuế GTGT năm 2021 các địa phương lập là 153.886 tỷ đồng, Bộ Tài chính xây dựng là 136.500 tỷ đồng, số thực hiện hoàn thuế GTGT là 160.798 tỷ đồng. Năm 2021, dự toán hoàn thuế GTGT phải bổ sung lớn (17,8% so với dự toán giao) và là năm thứ 4 liên tiếp Bộ Tài chính bổ sung so với dự toán được Quốc hội giao đầu năm. Năm 2018 bổ sung 7.783 tỷ đồng, năm 2019 bổ sung 21.743 tỷ đồng, năm 2020 bổ sung 7.019 tỷ đồng, năm 2021 bổ sung 24.298 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc kiểm tra, xác minh đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của các DN xuất khẩu vẫn còn tình trạng chậm, muộn.

Cơ quan thuế làm thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Lý giải về vấn đề hồ sơ kiểm tra trước hoàn của một số DN bị kéo dài thời gian so với quy định, Tổng cục Thuế cho biết, trong quá trình phân tích dữ liệu chuỗi hóa đơn cập nhật thực tế tại hồ sơ của DN, cơ quan thuế phát hiện DN có mua hàng hóa đầu vào, khấu trừ và đề nghị hoàn thuế của các DN bán cho những DN hoàn thuế này nhưng các DN đó đã bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, không kê khai, không nộp thuế; có những DN đã tạm ngừng hoạt động. Đặc biệt, có những DN đang thuộc diện nghi án điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trong đó có những trường hợp do cơ quan công an thông báo cho cơ quan thuế. Để kiểm soát việc hoàn thuế được chặt chẽ, đúng quy định, tránh thất thu thuế, trong đó có các DN xuất khẩu dăm gỗ, Tổng cục Thuế đã có những văn bản chỉ đạo các cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế, phải xác minh nguồn gốc gỗ mua vào. Đây là một bước cần thiết để góp phần cùng các DN thực hiện đúng yêu cầu về kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước ngay từ khâu đầu vào.

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 DN trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh, nguyên nhân do DN có dấu hiệu sử dụng hóa đơn khống để hoàn thuế.

Tổng cục Thuế đang rà soát để báo cáo Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền sửa các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời, rà soát quy định về thủ tục hoàn thuế tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm đúng quy định, qua đó đẩy nhanh quy trình giải quyết hoàn thuế GTGT, tạo thuận lợi cho DN, tránh tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, gian lận tiền thuế.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Dương Thanh Bình nêu vấn đề khi xem xét báo cáo công tác Dân nguyện tháng 7/2023

Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ chấn chỉnh kịp thời việc hoàn thuế VAT

Tại phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023, một trong những nội dung được đề cập trong báo cáo công tác dân nguyện là việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của Cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã gây tác động lớn đến vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp…Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế VAT của cơ quan thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm dụng chức trách, nhiệm vụ để đưa ra các yêu cầu trái quy định để sách nhiễu, làm mất uy tín của doanh nghiệp có đề nghị hoàn thuế.“Coi trọng công tác “hậu kiểm”, thực hiện “hoàn trước, kiểm sau” đối với hồ sơ hoàn thuế, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng việc hoàn thuế VAT để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Nhà nước”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện làm việc với Tổng cục Thuế và có báo cáo cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này xem hiện nay còn vướng mắc một số quy định, thông tư, trách nhiệm trong hậu kiểm và thực hiện "hoàn trước kiểm sau như thế nào". 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Nhấn mạnh việc chậm hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) cho doanh nghiệp là vấn đề cử tri rất bức xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đang chuẩn bị phiên giám sát và giải trình đối với việc hoàn thuế VAT với mục đích vừa ngăn ngừa được những hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách, vừa phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế. Thời gian hoàn thuế tiền kiểm là không quá 4 tháng và hậu kiểm là không quá 5 ngày,bởi nếu làm sai việc này thì các doanh nghiệp sẽ khó khăn rất lớn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ quan điểm, hiện nay Quốc hội đã có nghị quyết chung, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, việc hoàn thuế GTGT là trách nhiệm của Tổng Cục Thuế và Bộ Tài chính. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm, chống gian lận thuế, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của doanh nghiệp. Trong bối cảnh, doanh nghiệp tiếp cận vốn rất khó khăn? Đây là vấn đề rất cấp thiết, bởi hoàn thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp không xin. Do đó, cơ quan nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý, cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế. Không thể để trì trệ, loay hoay mãi

Trước đó, trong báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vấn đề này cũng đã được nêu ra. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, “sức khỏe” bị bào mòn, tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Trong khi đó, tiền thuế này là tiền doanh nghiệp nộp vào cho Nhà nước, nhưng hoàn lại thì thủ tục rất khó khăn.

Ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính 

Giải trình vấn đề này trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thuế Vũ Chí Hùng cho biết, theo Luật Thuế và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính thì hồ sơ hoàn thuế GTGT được phân làm hai trường hợp gồm hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn toàn kịp thời, hoàn thuế đúng quy định. Đối với các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước khoản thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định. 

Qua rà soát các thông tin trong những năm gần đây, cơ quan thuế nhận thấy một số doanh nghiệp hoàn thuế xuất khẩu các mặt hàng gỗ, lâm sản có rủi ro cao. Do đó, cơ quan thuế phải thực hiện công tác kiểm tra và xác minh vì thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng cơ chế chính sách của Nhà nước để gian lận và chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện và xử lý một số trường hợp lợi dụng để trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT như vụ mua bán trái phép hóa đơn GTGT và trốn thuế tại Phú Thọ, vụ việc vi phạm hoàn thuế tại Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Lạng Sơn…

Trên tinh thần chống gian lận trong hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính có những giải pháp liên quan đến việc xác minh. Bộ Tài chính đã rà soát các quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thuế suất và các điều kiện về hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu; đồng thời rà soát các quy định về thủ tục hoàn thuế theo Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

Hiện để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 07 gửi Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các DN xuất khẩu, đảm bảo đến hết tháng 9/2023, kết quả hoàn thuế GTGT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên trước những yêu cầu của Tổng cục thuế, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (viforest) đã có văn bản gửi chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Cụ thể, việc doanh nghiệp không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại văn bản số 2124 ban hành ngày 22/5/2020 và số 633 ban hành ngày 7/03/2022 của Tổng cục Thuế quy định về thanh kiểm tra trong việc hoàn thuế đối trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng". Ngoài các bất cập đã nêu trên, theo VIFOREST, Công văn số 2124 và Công văn 633 còn có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật. Vì Các công văn này buộc tất cả các cục thuế và chi cục thuế tại các địa phương phải tuân theo hướng dẫn nghiệp vụ thanh/kiểm tra trong Tổng cục Thuế. Thời hạn hiệu lực của Công văn số 633 đã hết, nhưng vẫn sử dụng làm căn cứ trích dẫn trong các văn bản xác minh nguồn gốc của các cục thuế và chi cục thuế gửi các bên liên quan. Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest)cho rằng, nếu các công văn này không được bãi bỏ/sửa đổi, bổ sung thì các vướng mắc trong hoàn thuế sẽ không được giải quyết triệt để. Doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế VAT vẫn sẽ không được hoàn. 

Hải Yến