TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)

10/11/2022

2446 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 8h00 sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp 

Trước khi tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.

11h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 4 lượt đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Còn một số đại biểu chưa kịp phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản về Ban Thư ký để tiếp tục tổng hợp các ý kiến. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nhóm chính sách, nhiều điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật như về phạm vi, đối tượng áp dụng, tên gọi của dự án Luật, cụ thể hóa hơn các chính sách trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương rà soát để thống nhất với các luật có liên quan như quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quy định về tổ hợp tác, việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã; về mô hình tổ chức quản trị; quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên; trích lập các quỹ; chế độ kế toán và kiểm toán; quy định về quản lý nhà nước…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

11h06: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn, đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của Cơ quan thẩm tra và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Tổ, tại Hội trường, Bộ trưởng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.

Về tên gọi của Dự án Luật, Bộ trưởng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật hợp tác xã; một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác. Vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với Cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên Luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Về mô hình liên đoàn hợp tác xã, Bộ trưởng nêu rõ, trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời đây cũng là là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh. Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.

Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, Bộ trưởng chỉ ra rằng, có nhiều ý kiến đại biểu quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này pháp triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

11h02: Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa: Cần làm rõ hơn thuật ngữ “tổ chức kinh tế hợp tác”

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Hà Hồng Hạnh bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tập thể hiệu quả và bền vững trong giai đoạn mới. 

Đại biểu cũng thống nhất với tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác do phạm vi điều chỉnh của luật được mở rộng, bao trùm đầy đủ các nội dung và phù hợp với quan điểm tại Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn thuật ngữ tổ chức kinh tế hợp tác để khi đưa luật vào thực tế sẽ không phát sinh các vấn đề liên quan…

Bên cạnh đó đại biểu Hà Hồng Hạnh chỉ ra rằng qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.

Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Bổ sung các chính sách đặc thù cho các tổ chức kinh tế hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện để khu vực nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu cho rằng cần làm rõ vai trò, chức năng đơn vị quản lý để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong quá trình quản lý nguồn quỹ và hỗ trợ các tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn.

10h56: Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Quy định rõ hơn nguồn lực, điều kiện hoạt động của Liên minh Hợp tác xã

Về tên gọi, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, đại biểu đồng thuận với ý kiến giữ lại tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), vì sử dụng tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác như Chính phủ trình sẽ bao quát được toàn bộ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật.

Tuy nhiên, về phạm vi điều chỉnh của luật trong trường hợp có thay đổi hoặc là mở rộng thì nên quy định trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật thì sẽ phù hợp hơn, không nhất thiết sửa tên gọi như Chính phủ trình.

Ngoài ra, Chính phủ trình Luật các tổ chức kinh tế hợp tác nhưng đối tượng điều chỉnh của luật chủ yếu xoay quanh các đối tượng như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên hợp tác xã. Trên thế giới, lịch sự phát triển hợp tác xã 200 năm qua đến nay được Liên hiệp quốc vẫn khẳng định hợp tác xã. Tên gọi hợp tác xã cũng được nhiều nước trên thế giới sử dụng phổ biến, trong đó nổi bật như Mỹ, Đức, Hà Lan hay Trung Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, việc giữ tên gọi là Luật hợp tác xã thì vẫn đảm bảo được hội nhập và phù hợp với hệ thống của pháp luật quốc tế.

Góp ý tại Điều 5 về bảo đảm của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, trong đó quy định về trưng mua, trưng dụng tài sản, để tránh trường hợp hiểu không đúng về trường hợp thật cần thiết, Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức kinh tế hợp tác và đảm bảo các trường hợp được quy định không trái với quy định tại Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.

Về tổ chức đại diện kinh tế hợp tác tại Điều 106, đại biểu kiến nghị cần phải xem xét kỹ hơn nữa về vai trò, vị trí pháp lý của Liên minh hợp tác xã; đề nghị cần phải đặt liên minh hợp tác xã vào đúng vai trò để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời nghị quy định rõ hơn nữa về các nguồn lực, điều kiện, nhiệm vụ, hoạt động của Liên minh hợp tác xã với vai trò là nòng cốt trong các tổ chức đại diện trong giai đoạn mới để phù hợp với vai trò đã được xác định…

10h49: Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Cần quy định về cơ chế đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp

Đại biểu Leo Thị Lịch bày tỏ nhất trí cần thiết sửa đổi Luật cho phù hợp với điều kiên phát triển của đất nước, loại bỏ những quy định cản trở, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện Hợp tác xã phát triển năng động, bền vững. Về tên gọi Luật, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị giữ nguyên tên gọi luật hiện hành.

Theo đánh giá của đại biểu, dự thảo Luật đã bám sát 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến tính đặc thù trong hoạt động nông nghiệp, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần xem xét bổ sung quy định cho hợp tác xã nông nghiệp, hoặc giao Chính phủ quy định cơ chế đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần rà soát một số nội dung, chính sách cụ thể trong luật, đối chiếu các quy định của dự thảo Luật này với các văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Đối với quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu đề nghị cần bổ sung một điểm ở khoản 1 Điều 9 về việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

10h44: Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ:  Cần đánh giá tác động để quy định những tiêu chí phù hợp với quy mô hợp tác xã

Bày tỏ sự nhất trí cao cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Thành Nam góp ý về tên gọi của dự thảo Luật. Đại biểu đồng ý với tên gọi của dự thảo Luật là Luật Hợp tác xã và đồng tình với ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, nhất là ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn Tp.Hà Nội.

Về chính sách ưu đãi của Nhà nước quy định tại Chương 2, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị quan tâm đến đối tượng được thụ hưởng chính sách. Thực tế hiện nay ở nước ta số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm đến gần 70% trên tổng số hợp tác xã. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế chính sách hỗ trợ của nhà nước cần phù hợp và ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quan điểm của Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Về tiêu chí thực hiện chính sách hỗ trợ nhà nước quy định tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động, nghiên cứu từ thực tiễn để quy định những tiêu chí phù hợp với mặt bằng chung, năng lực của đa số các hợp tác xã hiện nay. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định tiêu chí cho phù hợp với quy mô của hợp tác xã hiện nay. 

Về nguồn vốn thực hiện chính sách quy định tại Điều 18, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhận thấy, đây là yếu tố cốt lõi để các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hợp tác xã có tính khả thi nhưng dự thảo luật quy định còn chung chung, chưa cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể rõ việc bố trí ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể.

Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về tổ chức đại diện được quy định tại Chương 10

10h40: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tranh luận (lần 2)

Tại Hội trường, đại biểu Trương Trọng đồng thuận với việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằm góp phần giúp cho hoạt động hợp tác xã hoạt động tốt hơn. Tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, tên gọi của luật phải đảm bảo hành lang pháp lý trong tương lai và phải ít sửa đổi. Ngoài ra, việc học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh đối với xác định một khái niệm là rất cần thiết.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trước kia, chúng ta có Luật Công ty, sau đó có Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp nhà nước và sau này có Luật Doanh nghiệp. Tuy rằng công ty hiện nay vẫn là loại hình chủ yếu trong các doanh nghiệp nhưng không phải nó là loại hình chủ yếu qua tên gọi vì ra đời đầu tiên. Cho nên không thể gọi là Luật Công ty mà phải gọi là Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, luật là mở ra hành lang pháp lý chứ không phải luật chỉ đi điều chỉnh những cái gì hiện có trong xã hội. Tên gọi của luật phải đảm bảo hành lang pháp lý trong tương lai và phải ít sửa đổi. Hợp tác xã là một đơn vị, tổ chức khác với cụm từ “tập thể” và đồng bộ với luật pháp của thế giới hiện nay. Vì vậy, nên giữ cùm từ “hợp tác”.

Về việc học tập tên gọi trong một khái niệm nào đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh là chúng ta đang học những cái tinh túy nhất, cốt lõi trong tư tưởng của Người. Vì thế, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trường tồn là do những tinh túy, cốt lõi đó.

10h35 Đại biểu Hà Sỹ Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ trước khi thành lập hợp tác xã

Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập hiện hành và thể chế hóa chủ trương của Đảng, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị giữ nguyên tên là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Hà Sỹ Huân phản ánh từ thực tiễn công tác tại địa phương, qua ý kiến kiến nghị, đề nghị khi tiếp xúc các chủ thể hợp tác xã cho thấy những hạn chế của các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã mới thành lập, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như còn thiếu thông tin, lúng túng trong tiếp cận các thủ tục hành chính về lập và tổ chức hoạt động của hợp tác xã, nhất là các sáng lập viên là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao. Đại đa số hợp tác xã ở các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản trị tài chính còn hạn chế, không có tài sản đảm bảo nên chưa tiếp cận được các chính sách tín dụng.

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách về hỗ trợ thành lập mới, cụ thể là hỗ trợ sáng lập viên tổ chức kinh tế tập thể được cung cấp miễn phí thông tin, tập huấn về các quy định pháp luật về hợp tác xã trước khi thành lập; được hỗ trợ xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của kinh tế tập thể.

Đồng thời, cần có chính sách đặc thù về vay vốn tín dụng để các hợp tác xã đã nêu ở trên có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn để hợp tác xã phát triển.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân; đề nghị nghiên cứu quy định rõ việc thành lập và tổ chức hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã, nhằm làm rõ vai trò, vị trí pháp lý; cần tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ở địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý, giám sát hoạt động của hợp tác xã thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

10h29: Đại biểu Rơ Châm H'Phik – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai: Quy định rõ về hoạt động tín dụng nội bộ

Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu thống nhất với Tờ trình và báo cáo thẩm tra; đồng thời tán thành cao với sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật này. Về hoạt động tín dụng nội bộ, đại biểu cho rằng, đây là nội dung phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, tuy nhiên nhiều nội dung chưa đc quy định cụ thể, mà phải chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, cần bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động tín dụng nội bộ để khả thi khi thực hiện.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật có quy định khoanh vùng giao dịch được xác định là giao dịch nội bộ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời có những quy định phòng ngừa tổ chức kinh tế hợp tác lợi dụng trục lợi từ chính sách ưu đãi.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát một số điều khoản để đảm bảo đồng bộ với các quy định của Bộ luật Lao động và các Luật hiện hành về thanh toán tiền lương, chi phí bảo hiểm và các chi phí khác cho người lao động, nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với các lý do và ý nghĩa như các đại biểu đã phân tích trước đó.

10h23: Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh:  Đề nghị không cho phép chuyển nhượng vốn góp

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bày tỏ nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã với các lý do trong Tờ trình của Chính phủ. Về vấn đề cụ thể, đối với quy định về thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu đề nghị xem xét, nghiên cứu việc mở rộng đối tượng thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đối với thành viên liên kết có góp vốn.

Lý giải quan điểm trên, đại biểu cho rằng thành viên liên kết có góp vốn nhưng không sử dụng sản phẩm, dịch vụ và không góp sức lao động mà chỉ nhằm mục đích chia lợi nhuận là không đúng với bản chất và nguyên tắc tổ chức hoạt động của hợp tác xã, chỉ phù hợp với loại hình doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, nguyên tắc hợp tác xã là hoạt động nhằm mục đích phục vụ nhu cầu chung về kinh tế - xã hội, văn hóa của các thành viên khác với các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu vì mục đích lợi nhuận.

Theo dự thảo Luật, mục đích của việc mở rộng đối tượng thành viên liên kết nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế hợp tác huy động thêm vốn, tiềm lực kinh tế để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, đối với những cá nhân và tổ chức không có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức kinh tế hợp tác thì có thể cho tổ chức kinh tế hợp tác vay vốn theo một hợp đồng kinh tế hay hợp đồng hợp tác kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

Nguyên tắc hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác là đối nhân không đối vốn. Do đó, khi các công ty tư nhân tham gia góp vốn vào tổ chức kinh tế hợp tác và nắm giữ tỷ lệ vốn góp lớn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu phục vụ thành viên, phục vụ cộng đồng xã hội và hỗ trợ phong trào hợp tác xã, vốn là bản chất của các tổ chức kinh tế hợp tác...

Đối với quy định về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên của các tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu cho rằng không nên cho phép việc chuyển nhượng vốn vì sẽ làm mất đi bản chất hợp tác xã của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp sẽ làm cho tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp có thể dẫn đến nguy cơ các tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kinh tế hợp tác từng bước thâu tóm qua việc nhận chuyển nhượng vốn góp để trở thành thành viên chính thức nhằm hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, tín dụng, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, thậm chí chiếm hữu phần vốn góp, vốn quỹ, tài sản tích lũy của các tổ chức kinh tế hợp tác. Mặt khác, việc này sẽ dẫn đến thay đổi địa vị pháp lý của các thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân gây ra nhiều xóa trộn trong tổ chức.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định vốn điều lệ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân chỉ gồm vốn góp của các thành viên chính thức không bao gồm vốn góp của thành viên liên kết có góp vốn.

10h16: Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Đề nghị sửa tên gọi là Luật các tổ chức kinh tế tập thể.

Góp ý về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất đặt tên gọi của dự thảo luật là Luật các tổ chức kinh tế tập thể để phù hợp và thống nhất chung với tên gọi mà các nghị quyết của Đảng đã đặt tên, đặc biệt là Nghị quyết số của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Các cụm từ trong dự thảo Luật Kinh tế hợp tác nên sửa thành kinh tế tập thể, mặt khác gọi Luật các tổ chức kinh tế tập thể thì phạm vi nhấn mạnh đúng vào các đơn vị cụ thể, gắn với mối liên kết ngang trong mối quan hệ cộng đồng; phạm trù kinh tế hợp tác rộng hơn bao gồm cả sự hợp tác giữa các tác nhân kinh tế. 

Về khái niệm tổ hợp tác quy định tại Khoản 32, Điều 4, theo đại biểu Thạch Phước Bình sẽ phát sinh mâu thuẫn, bất cập; đề nghị chưa đưa tổ hợp tác vào dự thảo luật và cần tổ chức điều tra các tổ hợp tác về nguyện vọng phát triển trong tương lai để có căn cứ thực tiễn đưa vào dự thảo luật này.

Đối với quy định phân loại hợp tác xã, Điều 15 phân hợp tác xã thành bốn loại siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn. Đại biểu cho rằng vẫn chưa rõ về sự cần thiết phân loại hợp tác xã; quy mô của hợp tác xã liên tục thay đổi theo thời gian, cả thành viên và tổng nguồn vốn… như vậy hàng năm phải thực hiện phân loại hợp tác xã sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, kinh phí trong khi mục đích của phân loại này lại chưa rõ ràng. Hơn nữa, phân loại tổ hợp tác, tổ chức kinh tế theo ngành, lĩnh vực kinh tế cũng không hợp lý.

Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo tiếp cận các hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã theo định nghĩa đưa ra tại Điều 4 để thực hiện phân loại đảm bảo tính toàn diện và đặc thù về các hoạt động mà các tổ chức kinh tế tập thể phải thực hiện. Theo đó, mỗi tổ chức kinh tế tập thể có 3 nhóm hoạt động bao gồm: nhóm kinh tế, nhóm văn hóa tập thể và nhóm xã hội cộng đồng….

10h13: Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tranh luận

Tranh luận Liên đoàn Hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho rằng, trong Luật Hợp tác xã cần có nội dung này, thể hiện đúng tinh thần xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, trong Quỹ hỗ trợ của hợp tác xã không có vốn mồi của ngân sách nhà nước thì không đảm bảo hiệu quả.

Đại biểu đề nghị rà soát, xem xét nghiên cứu kỹ, nếu đã quy định về quỹ này thì nên có sự tham gia ban đầu của ngân sách nhà nước để đảm bảo tính khả thi.


Về khái niệm tổ hợp tác quy định tại Khoản 32, Điều 4, theo đại biểu Thạch Phước Bình sẽ phát sinh mâu thuẫn, bất cập; đề nghị chưa đưa tổ hợp tác vào dự thảo luật và cần tổ chức điều tra các tổ hợp tác về nguyện vọng phát triển trong tương lai để có căn cứ thực tiễn đưa vào dự thảo luật này. Đối với quy định phân loại hợp tác xã, Điều 15 phân hợp tác xã thành bốn loại siêu nhỏ, nhỏ, vừa và lớn.

Đại biểu cho rằng vẫn chưa rõ về sự cần thiết phân loại hợp tác xã; quy mô của hợp tác xã liên tục thay đổi theo thời gian, cả thành viên và tổng nguồn vốn… như vậy hàng năm phải thực hiện phân loại hợp tác xã sẽ rất phức tạp, tốn kém về thời gian, kinh phí trong khi mục đích của phân loại này lại chưa rõ ràng. Hơn nữa, phân loại tổ hợp tác, tổ chức kinh tế theo ngành, lĩnh vực kinh tế cũng không hợp lý.

Vì vậy đại biểu đề nghị dự thảo tiếp cận các hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã theo định nghĩa đưa ra tại Điều 4 để thực hiện phân loại đảm bảo tính toàn diện và đặc thù về các hoạt động mà các tổ chức kinh tế tập thể phải thực hiện. Theo đó, mỗi tổ chức kinh tế tập thể có 3 nhóm hoạt động bao gồm: nhóm kinh tế, nhóm văn hóa tập thể và nhóm xã hội cộng đồng….

10h10: Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang:  10h10: Căn cứ pháp lý việc thành lập và phát triển Liên đoàn hợp tác xã

Góp ý vào nội dung này, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhận thấy, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị công phu, có những điểm mới khác so với Luật Hợp tác xã năm 2012.

Về thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, đại biểu cho rằng cần có một điều luật cơ bản trong Dự thảo luật lần này để thể chế hóa, căn cứ pháp lý việc thành lập và phát triển các Liên đoàn hợp tác xã, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. 

Thứ hai, theo đại biểu Tráng A Dương, liên đoàn hợp tác xã là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới phát triển rất mạnh, vừa là tổ chức kinh tế tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ hỗ trợ thành viên, vừa là hoạt động như một tổ chức đại diện của một ngành lĩnh vực trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng.

Đại biểu cho rằng, việc tổ chức mô hình liên đoàn ở các vùng, các cấp là thể hiện sự tham gia liên kết giữa các thành viên của mỗi liên đoàn đến nhiều địa phương trong vùng cũng như nhiều vùng trong cả nước. Hoạt động của các liên đoàn này cũng như các hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế hợp tác không hợp giới hạn về không gian và địa lý. Các tổ chức kinh tế hợp tác có thể mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tùy theo nhu cầu và năng lực của mình.

Thứ ba, tại Việt Nam hiện nay có rất nhiều các tổ chức hợp tác có quy mô lớn, tuy nhiên các tổ chức này hoạt động trên phạm vi cả nước đang gặp rất nhiều hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành như về biểu quyết, tỷ lệ góp vốn tối đa của thành viên, quỹ sử dụng không không chia và tài sản không chia. Ngoài ra, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, Chính phủ cũng nên giao cho liên minh hợp tác xã nghiên cứu đề xuất quy định thành lập tổ chức hoạt động và nội dung, phương pháp, tổ chức phối hợp với liên đoàn hợp tác xã được thể hiện tại Nghị quyết số 34 Chương trình hành động của Chính phủ và Kết luận 70 của Bộ Chính trị.

Thứ tư, việc thành lập mô hình liên đoàn hợp tác xã trên cơ sở các hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tự nguyện thành lập, Nhà nước không mất kinh phí trong việc thành lập, tạo hành lang pháp lý rõ ràng định hướng cho các tổ chức kinh tế hợp tác xã phát triển, quy định mô hình mới để đảm bảo chính sách n\Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển.

10h05: Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tranh luận

Tại Hội trường, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến tranh luận về thuật ngữ hợp tác xã. Theo đó, không được bỏ từ “xã” trong dự án Luật. Mặc khác, các chủ thể được điều chỉnh của dự án Luật phải tuân thủ các giá trị của hợp tác xã.

Theo đó, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, từ “xã” không phải là để thể hiện địa giới hành chính xã, huyện hay tỉnh mà chữ “xã” ở đây là từ Hán Việt thể hiện chữ “xã hội” và ở đây nó cũng tương tự như từ “Thông tấn xã” trong thuật ngữ chúng ta đề cập chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác và khái niệm để hiểu được hợp tác xã. Đây chính là mô hình kinh tế thực hiện các hoạt động hợp tác vì mục đích xã hội.

Liên quan tới từ thuật ngữ hợp tác xã thì không chỉ là một thuật ngữ được các quốc gia thể hiện một cách hết sức cụ thể trong pháp luật của mình và bảo vệ cái tên gọi này. Ví dụ như tại Luật Hợp tác xã của Thái Lan có quy định tại Điều 7 cho rằng là không một tổ chức nào ngoài các hợp tác xã và liên minh hợp tác xã Thái Lan được sử dụng từ hợp tác xã như tên gọi hoặc một phần của tên gọi của tổ chức đó.

Theo như luật của Canada, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển thì trong luật có quy định rằng, các tổ chức có tên gọi hợp tác xã trong vòng 6 tháng khi hoạt động sẽ bị kiểm tra, theo dõi, giám sát. Nếu hoạt động của tổ chức này không tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã thì cũng sẽ phải thay đổi tên gọi, không được dùng chữa hợp tác xã. Qua đó, có thể thấy rằng, các nước rất tôn trọng cái chữ hợp tác xã.

Theo đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, nếu như chúng ta muốn thay đổi các tổ chức kinh tế hợp tác thì đề nghị không được bỏ chữ “xã” trong chữ “hợp tác xã”. Bởi các chủ thể được điều chỉnh trong dự thảo luật đều tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của hợp tác xã và không có sự khác biệt về bản chất trong các loại hình này.

Nếu như mà chúng ta có thảo luận thêm tên gọi, một loạt những tên gọi khác cũng có thể được quan tâm như: các tổ chức kinh tế tập thể được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. Liên minh Nghị viện thế giới khi báo cáo liên quan đến quá trình phục hồi tại đại dịch Covid 19 thì một khu vực kinh tế cũng được đưa vào trong báo cáo để có năng lực chống chịu và có năng lực tự cường trong bối cảnh rất nhiều rủi ro và bất định thì họ gọi là mô hình kinh tế đoàn kết. Đây cũng thể hiện rằng đối với cái tính đa dạng trong tên gọi nên đề nghị không được bỏ chữ “xã” trong hợp tác xã.

9h58 Đại biểu Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cân nhắc khi quy định về tín dụng nội bộ của hợp tác xã

Nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Mai Văn Hải ghi nhận dự thảo Luật cơ bản giải quyết những bất cấp trong luật hiện hành, đồng thời đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Góp ý về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị là cần phải cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ.

Theo đại biểu, đây là 1 tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như là hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ hoàn toàn khác với các Quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã theo luật năm 2012 đã có quy định, song trong báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật chưa đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2017 thì hoạt động tín dụng nội bộ này thì không có quy định và hướng dẫn.

Vấn đề này cần phải tính toán bởi vì không có hành lang cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng nội bộ. Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho biết, thực tế tại các địa phương, hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít. Do đó, đại biểu đề nghị nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã hay không?

Ngoài ra, đại biểu Mai Văn Hải cũng góp ý về nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác. Nhấn mạnh đây là nội dung hết sức quan trọng, song thực tế nhiều chính sách khó tiếp cận. Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị rà soát lại trong dự thảo Luật tránh dàn trải và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của Luật năm 2012 để làm sao hợp tác xã dễ tiếp cận nhất để thúc đẩy phát triển hoạt động hợp tác xã.

Theo đại biểu Mai Văn Hải cần quan tâm về chính sách phát triển nguồn nhân lực và đổi mới mô hình quản trị hợp tác xã; tháo gỡ về mặt chính sách về đất đai; tháo gỡ về chính sách về tín dụng; và về chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

9h51: Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cần đánh giá thực tế mô hình Liên đoàn Hợp tác xã để có sự thuyết phục

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã nhằmtạo cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững, hiệu quả.

Luật hiện hành cách đây 10 năm đã xuất hiện những bất cập cần tháo gỡ; những khó khăn, vướng mắc như số lượng thành viên kết nạp mới hoặc rút khỏi hợp tác xã, cơ cấu tổ chức quản lý có điểm chưa phù hợp, thiếu minh bạch trong thông tin, độ tin cậy chưa cao, tài sản tài chính của hợp tác xã còn nhiều vấn đề để bàn cãi. Đặc biệt, các chính sách của nhà nước chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển bền vững. Từ những bất cập trên, đại biểu nêu rõ việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng bày tỏ thống nhất với tên gọi là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm bao quát đầy đủ các đối tượng áp dụng. Việc đổi tên như Tờ trình của Chính phủ sẽ tạo sự khác biệt rõ ràng giữa tên gọi chung của các loại hình thể, tổ chức này và các tổ chức kinh tế hợp tác; phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần hợp tác giữa các thành viên với nhau. Trong phạm vi điều chỉnh không chỉ có hợp tác xã mà còn có tổ hợp tác, liên minh hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã. Đây là các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác cho nên việc đổi tên gọi là phù hợp.

Tuy nhiên, nội dung quy định trong Luật về tổ hợp tác còn mờ nhạt so với hợp tác xã. Quy định tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân rất khó hoạt động. Do đó đại biểu đề nghị điều chỉnh tổ hợp tác phải có pháp nhân; đồng thời cần giải thích mô hình hợp tác xã siêu nhỏ để có căn cứ vào vốn điều lệ để phân loại. Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định thành viên tổ hợp tác có đủ 18 tuổi trở lên để thực hiện đầy đủ các quyền dân sự.

Về Liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ, cần phải có đánh giá thực tế trong các mô hình thí điểm để có sự thuyết phục lớn.

9h26: Quốc hội nghỉ giải lao

9h19: Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần tiếp tục kế thừa, phát huy kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc quan tâm đến một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi), tên gọi này đã bao trùm mọi chủ thể quy định ở trong Luật. Đây cũng là tên gọi đi vào lịch sử, trở thành một thương hiệu trong nền kinh tế Việt Nam, cần tiếp tục kế thừa phát huy trong thời gian tới.

Đại biểu phân tích thêm, người có công đưa mô hình hợp tác xã về Việt Nam là Bác Hồ. Trong suốt sự nghiệp, Bác vẫn luôn quan tâm, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã cũng là mô hình vừa thể hiện bản chất nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Về liên đoàn hợp tác xã, theo đại biểu chưa nên đưa vào Luật này, cần tổ chức thí điểm có thực tiễn ở cho phù hợp hơn. Mặc dù trên thế giới đã có hình thức này từ lâu, nhưng đối với Việt Nam thì vẫn cần thí điểm để nghiên cứu, đánh giá việc thành lập liên đoàn hợp tác xã heo ngành hàng.

Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chủ trương xã hội hóa các dịch vụ công, chuyển giao ủy quyền cho Hợp tác xã trong thực hiện các dịch vụ công như hỗ trợ phát triển kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại đầu tư, đồng thời, cũng cần tăng cường năng lực của Liên minh Hợp tác xã để thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng này.

9h14: Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước còn dàn trải, thiếu trọng tâm.

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho rằng sau gần 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển hợp tác xã, góp phần tăng thu nhập cho người lao động trong hợp tác xã, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, quy định pháp luật về kinh tế hợp tác còn nhiều nội dung chưa phù hợp, thiếu tính đồng bộ với pháp luật hiện hành. 

Về các nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.

Đối với thuế thu nhập trích lập quỹ chung và không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cần quy định rõ: giao UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp pháp thuộc địa phương mình quản lý.

Về kiểm toán, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện. Nếu kiểm toán là căn cứ để nhà nước hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thì đối với tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc kiểm toán thì việc hỗ trợ khách được căn cứ từ đâu?

Đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và thiết kế nội dung theo hướng hỗ trợ để phát triển tổ chức kinh tế hợp tác và sự hỗ trợ này sẽ giảm dần theo hiệu quả và sự tiến bộ hợp tác xã để tiến đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong thị trường.

9h09: Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, phù hợp

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc xây dưng Luật hợp tác xã sửa đổi là phù hợp, cần thiết nhằm tạo chuyển biến tích cực cho các kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về tên gọi của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác chưa xác định chính xác và đầy đủ các tổ chức kinh tế hợp tác. Nếu giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng chưa hợp lý, vì có nhiều hình thức, mô hình khác của các tổ chức kinh tế hợp tác. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn tên gọi Luật đảm bảo tính bao quát, chính xác và phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc đưa những thuật ngữ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, vốn chưa được quy định rõ trong các văn bản pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng khi áp dụng pháp luật sẽ không có sự tương đồng, ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch. Đại biểu đề nghị cần rà soát, cụ thể hóa hơn nữa các tiêu chí thực hiện chính sách trong Điều 17 của dự thảo Luật.

09h03: Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu khá rõ kết quả đạt được cũng như những vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012, làm cơ sở để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao và phát triển hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Tuy đã có bước tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn chung đại biểu cho rằng, kinh tế tập thể ở nước ta vẫn chưa tiếp cận đầy đủ, đúng bản chất của kinh tế tập thể và những giá trị, nguyên tắc cơ bản của Luật Hợp tác xã. Đây là nguyên nhân sâu xa, cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động hợp tác xã, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp tác xã còn thấp so với các khu vực kinh tế khác.

Vì vậy, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu, thiết kế để các hợp tác xã hội đủ các yếu tố thiết yếu, cơ bản nhất của hợp tác xã, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa các chính sách liên quan đến hợp tác xã theo Nghị quyết 20 của Đảng, đảm bảo kinh tế tập thể phát triển bền vững, năng động, hiệu quả trong nền kinh tế quốc dân trong thời gian tới.

Về tên gọi của dự thảo luật, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị giữ nguyên tên gọi là dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022. Vì hợp tác xã là nòng cốt, đại diện và là đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể. Tổ chức hoạt động của tổ chức hợp tác, liên hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể khác cũng tuân thủ theo bản chất, mục đích, cơ chế hoạt động của hợp tác xã. Đại biểu cho rằng, đây mới chính là cách tiếp cận đúng bản chất mối quan hệ và mô hình kinh tế này với nội hàm về mối quan hệ hợp tác bình đẳng, chặt chẽ trong nền kinh tế. Do đó việc giữ nguyên tên gọi Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể.

Về mô hình hợp tác xã, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để làm sao quy định về số lượng thành viên của hợp tác xã khi chúng ta hoàn thiện trình Quốc hội thông qua cho đảm bảo. Về Quỹ hỗ trợ hợp tác xã, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị bổ sung một khoản vào Điều 21 quy định nội dung là thủ quỹ hỗ trợ hợp tác xã Việt Nam do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý. Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh giao cho Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh quản lý. Đại biểu cho rằng, quy định bổ sung này rất hợp lý vì chúng ta cần luật hóa nội dung này cho chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo Quỹ hỗ trợ hợp tác xã được quản lý, sử dụng hiệu quả.

9h00: Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh tranh luận

Tại Hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tranh luận về tên gọi của Luật Hợp tác xã. Ngoài ra, tên gọi tổ chức kinh tế hợp tác xã cũng cần chính xác. 

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Điều 16 của Luật Hợp tác xã có nguyên tắc tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Như vậy, tổ chức kinh tế hợp tác khác với tổ chức này cách đây 40-50 năm. Trong thời bao cấp, hợp tác xã chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp. Như vậy, với luật này thì có tổ chức kinh tế hợp tác xã. Với quy mô nền kinh tế hiện nay thì có thể có hàng triệu thành viên và có sức mạnh kinh tế rất lớn, rất khác với thời gian trước. 

Hiện nay, chúng ta đã có 4 loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, liên đoàn xã. Liên minh, liên đoàn là những tổ chức cao hơn và phức tạp hơn của các hợp tác xã. Chính vì vậy, tên gọi tổ chức kinh tế hợp pháp là phải chính xác và điều đó cũng là một nguyên tắc lập pháp, tức là có bao nhiêu đối tượng điều chỉnh thì tên gọi nó phải đủ để bao trùm.

8h54: Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Tiếp tục thể chế, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chính sách của Nhà nước về đất đai khuyến khích phát triển hợp tác xã

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật, đại biểu Dương Tấn Quân cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên người lao động trong hợp tác xã nhận được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế của các hộ thành viên.

Tuy nhiên, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật cho thấy phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với hợp tác xã.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.

Ngoài ra, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chỉ rõ, dự thảo Luật chưa quy định rõ vốn và tài sản không không chia là thuộc sở hữu tập thể của hợp tác xã, hợp tác xã có quyền sử dụng, định đoạt trong các giao dịch kinh tế mà chủ thể này xác lập theo quy định của Điều lệ và pháp luật về hợp tác xã. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định vấn đề này vào Luật; đồng thời đề nghị quy định rõ về tổ chức có quyền thẩm định giá; quy định rõ việc chuyển nhượng vốn góp giữa thành viên chính thức và thành viên liên kết không góp vốn để trở thành viên chính thức; cân nhắc và bổ sung quy định hình thức huy động vốn tín dụng nội bộ trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị là cần phải bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp về việc quản lý và phải có định hướng phát triển cho các tổ chức kinh tế hợp tác tại địa phương. Đồng thời quy định tách bạch rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương và cấp địa phương.

8h47: Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: Đảm bảo kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu đồng tình cao với sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm giúp kinh tế tập thể phát triển, năng động, hiệu quả. Qua tổng hợp ý kiến cử tri đại biểu đưa ra một số ý kiến để hoàn thiện Luật.

Về khái niệm hợp tác xã, đại biểu cho rằng, khái niệm đưa ra tại dự thảo Luật chưa bao quát được theo quan điểm của Đảng về nội dung này, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng.

Về chính sách hỗ trợ, đại biểu cho rằng, cần có sự đảm bảo hỗ trợ của nhà nước để liên minh hợp tác xã được phát triển mạnh; cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW giao liên minh hợp tác xã thực hiện một số dịch vụ công để giúp kinh tế tập thể phát triển mạnh trong thời kỳ mới; đảm bảo hợp tác xã được thụ hưởng chính sách, nhiều cơ chế miễn giảm thuế. Có như vậy mới đáp ứng được mong mỏi của hợp tác xã.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các điều khoản để đảm bảo sự lo gic, chặt chẽ trong toàn bộ dự thảo Luật về các quy định như thành viên sáng lập, thành viên các tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân. Đại biểu đề nghị cần làm rõ, ngoài Liên minh Hợp tác xã còn có đại diện nào khác, cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

8h41: Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy khi đổi tên Luật Hợp tác xã.

Góp ý về tên của dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng, với tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt.

Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật. Còn với tên luật là Luật tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức trong các tổ chức kinh tế hợp tác và cũng đúng với định hướng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định. 

Về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, đề nghị cần quy định chặt chẽ nhằm hạn chế hỗ trợ theo kiểu xin cho và không loại trừ tình trạng trông chờ, ỷ lại, trục lợi chính sách.

Đại biểu đồng tình với quy định về kiểm toán hợp tác xã, bởi muốn lớn mạnh phát triển thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có kiểm toán, phải thực hiện kiểm toán khi mở rộng một phần góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu bên ngoài phải tính toán; đồng thời thành viên phải nắm rõ được năng lực, tiềm lực của hợp tác xã khi tham gia góp vốn nhằm đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Cho ý kiến về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Điều 21, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét quy định cụ thể hơn trong luật này về một số nội dung cụ thể như: Là cơ quan trực thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được tiếp nhận các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; quy định cụ thể về hệ thống quỷ từ trung ương đến địa phương để có sự ủy thác, hỗ trợ từ quỹ trung ương với địa phương.

Khoản 5, Điều 51, đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc quy định Hội thành viên bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát là không phù hợp với thực tiễn, không linh hoạt. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định Đại hội thành viên bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát và để Hội đồng quản trị bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát bầu Trưởng ban kiểm soát. Về trích lập quỹ không chia tại Điều 67, đại biểu đề nghị giữ nguyên như nội dung quy định tại Điều 46 phân phối thu nhập của Luật hợp tác xã năm 2012.

8h34: Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang: Quy định hợp lý số lượng thành viên hợp tác xã

Cơ bản thống nhất với Tờ trình và báo cáo thẩm tra của Dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh, cần thiết xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững.

Về tên gọi, đại biểu thống nhất giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã để đảm bảo bao quát, mở rộng phạm vi điều chỉnh, tránh xáo trộn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành. Về số lượng thành viên hợp tác xã, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần quy định hợp lý số lượng thành viên hợp tác xã, có lộ trình tăng số lượng thành viên, tăng quy mô hợp lý cho hợp tác xã, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển.

Về quy định liên quan đến người lao đông, đại biểu đề nghị cần có Điều, khoản xác định rõ người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác là người làm công hưởng lương, có ký kết hợp đồng lao động với hợp tác xã theo Luật Lao động, quy định rõ hơn địa vị pháp lý, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong thực hiện hợp đồng lao động.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần xác định người lao động là đối tượng tiềm năng được quyền tham gia góp vốn, trở thành thành viên góp vốn, được quyền ký kết các hợp đồng đầu vào, đầu ra với Tổ kinh tế hợp tác để trở thành thành viên liên kết của Tổ chức kinh tế hợp tác.

8h33 Đoàn đại biểu do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acosta Álvarez dự khán phiên họp Quốc hội

Điều hành phiên họp, phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, từ ngày 07-13/11/2022 Đoàn đại biểu do Tổng Thư ký Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Cuba Homero Acosta Álvarez làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đến thăm Nhà Quốc hội và dự khán phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiệt liệt chào mừng Đoàn.

8h28: Đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam: Cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

Đại biểu Trần Thị Hiền tán thành việc sửa đổi Luật Hợp tác xã hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tế, trong đó hợp tác xã là trọng tâm. Theo đại biểu, tên gọi rất quan trọng nhưng không phải tất cả, nhưng quan trọng nhất vẫn là nội dung phải làm sao tạo được động lực để hợp tác xã phát triển chứ không phải vì tên gọi đơn thuần. Do đó, đại biểu nhất trí giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đối với chính sách để phát triển hợp tác xã tại các Điều 16 đến Điều 21, trong đó đáng chú ý là Điều 19 quy định về nội dung chính sách, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, dự thảo thể hiện chưa rõ ràng giữa các ưu đãi của nhà nước.

Một là nhiệm vụ, chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước phải làm, hai là quyền và tổ chức kinh tế hợp tác. Nội dung này tạo nên sự khó hiểu, rắc rối không cần thiết. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại để có thể tách Điều 19 thành hai điều cụ thể. Theo đó, một điều quy định về những chính sách lớn mà Nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và một điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng và hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng.

Về quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp cho các hợp tác xã câu tán thành việc quy định quỹ tài chính ngoài ngân sách trong dự án luật. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật không có bất kỳ một đánh giá nào về hoạt động của quỹ này đã được thành lập từ năm 2009 và đang được điều chỉnh hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo để Quốc hội có thêm thông tin xem xét, quyết định. Đồng thời cân nhắc thêm việc quy định cho phù hợp. Về nguyên tắc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, đại biểu đề nghị cần quy định khái quát việc này để Chính phủ có căn cứ quy định chứ không thể giao chung chung cho Chính phủ quy định, do quỹ này là quỹ có hoạt động tín dụng ủy thác chứ không như các quỹ ngoài ngân sách. 

8h22: Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái: Rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Khang Thị Mào đề nghị rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về đất đai và các hình thức khác cho để hợp tác xã phát triển.

Theo đại biểu Khang Thị Mào, trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật và các quyết định của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2026; ban hành và tổ chức nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm. Nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức thấp do nhiều địa phương khó khăn trong bố trí nguồn lực, điều kiện và thủ tục hỗ trợ khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Với những hạn chế trên, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát các chính sách hỗ trợ quy định tại chương II, nhất là Điều 19 quy định về những nội dung chính sách, trong đó cần có các chính sách hỗ trợ với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, cơ chế thúc đẩy, khuyến khích liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các tổ chức kinh tế hợp tác và các doanh nghiệp.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Đại biểu Khang Thị Mào đề nghị nghiên cứu sửa đổi các luật trên cần có quyết định ưu tiên đối tượng là hợp tác xã trong đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, tạo điều kiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác được nhận chuyển nhượng, thuê đất để đầu tư cơ sở chế biến logistic, phát triển vùng chuyên canh nông sản lớn theo chuỗi giá trị, xây dựng cụm công nghiệp chế biến, trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã...

8h20: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung này, có 124 ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo luật, các vị đại biểu đã quan tâm đóng góp nhiều ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp ý kiến biểu Quốc hội gửi trên mạng thông tin của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trong đó, báo cáo thẩm tra đã gợi ý 9 nội dung lớn cần tập trung thảo luận, trong đó có một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như: tên gọi của dự án luật, thành lập Liên đoàn hợp tác xã, vị trí, vai trò của Liên minh được hợp tác xã, các hình thức tổ chức hợp tác xã, kế toán, kiểm toán hợp tác xã.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tránh trùng lặp với ý kiến các đại biểu khác đã phát biểu hoặc đã đề cập trong báo cáo tổng hợp, thảo luận tại tổ.

Quá trình điều hành, Đoàn Chủ tịch sẽ sắp xếp, bố trí thứ tự hợp lý trong trường hợp có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu. Đoàn Chủ tịch cũng sẽ mời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu làm rõ thêm các nội dung mà các đại biểu quan tâm.

8h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành dân chủ, thận trọng và khẩn trương. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, toàn diện để xây dựng dự án Luật.

Các đại biểu QuốcQuốc hội biểu quyết thothông qua dự án Luật 

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 443 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 88,96%. Như vậy Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

8h02: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, về việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao nên ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).

Phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (lần thứ hai) cho thấy đa số đại biểu tán thành với quy định như dự thảo Luật.

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội. 

Về bố cục của dự thảo Luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật có 06 chương, 91 điều, giảm 01 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Trong đó, Chương IV của dự thảo Luật về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động được bố cục thành 02 mục. Mục 1 quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước gồm 04 tiểu mục, Mục 2 gồm 01 điều quy định về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3) và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

Đối với ý kiến về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án; việc thực hiện công khai thông tin trong quá trình đầu tư,… mà không đi sâu vào các vấn đề có tính chi tiết, kỹ thuật.

Trên cơ sở đó phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng hay những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, của cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý quy định về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị (Chương III); về tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (Chương V); về áp dụng pháp luật (Điều 92).

8h01: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sáng nay 10/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội