ĐỀ XUẤT TÁCH BÁN HÀNG ĐA CẤP RA KHỎI HÌNH THỨC BÁN HÀNG TRỰC TIẾP

10/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi hình thức bán hàng trực tiếp, xác định rõ hình thức bán hàng đa cấp là một trong những hình thức giao dịch đặc thù với những chính sách, biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT BẢO VỀ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 07 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06/5/2021. Các nhóm Chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cẩu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22/1/2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật là về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được quy định tại Điều 37. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp. Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố tiềm ẩn vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.


Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị xác định rõ hình thức bán hàng đa cấp là một trong những hình thức giao dịch đặc thù, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện các chính sách, biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp khi tham gia hình thức giao dịch này.

Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, tại Điều 37 của dự thảo luật xác định bán hàng đa cấp là một trong những hình thức bán hàng trực tiếp là không phù hợp. Thực tế, hình thức bán hàng đa cấp ngày càng đa dạng, phức tạp, cả dưới hình thức giao dịch từ xa và giao dịch bán hàng trực tiếp, từ cung cấp các sản phẩm, hàng hóa đến cung cấp dịch vụ. Đơn cử ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân qua các hệ thống từ trên mạng xã hội để cung cấp những gói dịch vụ về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và người tham gia những dịch vụ này phải đóng một khoản tiền nhất định, nhưng nếu như giới thiệu được nhiều người tham gia thì có thể được giảm khoản đóng góp này, thực chất như vậy chính là hình thức bán hàng đa cấp từ xa. Thậm chí đã và đang xuất hiện một số hình thức bán hàng đa cấp biến tướng thông qua cả hình thức giao dịch từ xa và bán hàng trực tiếp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Trước bất cập trên, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị cần tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi hình thức bán hàng trực tiếp, xác định rõ hình thức bán hàng đa cấp là một trong những hình thức giao dịch đặc thù với những chính sách, biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phù hợp khi tham gia loại hình giao dịch đặc thù này.


Đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ.

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Hà Ánh Phượng – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng, tại Mục 3 Chương III dự án Luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Quy định này là chưa chính xác, vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc là qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị xem xét lại quy định này.

Tại khoản 3 Điều 45 dự thảo luật quy định về các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, khái niệm "bất chính" dường như không thể hiện được yêu cầu gì trong quản lý nhà nước nên xem xét chuyển sang quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được thực hiện.

Khoản 2 Điều 46 dự thảo luật quy định hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức quy định tại Điều 23 của luật này. Trong khi đó khoản 1 Điều 23 dự thảo luật quy định hình thức hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan. Như vậy, điều luật này chỉ dẫn chiếu đến pháp luật dân sự mà không có quy định cụ thể về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 46 dự thảo Luật đã quy định rõ hình thức của hợp đồng bằng văn bản, do vậy quy định như trên là chưa rõ ràng. Do đó, đối với nội dung này, nếu chưa quy định ngay trong luật thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quy định về các phương thức bán hàng, trong đó có phương thức bán hàng đa cấp, phương thức giao dịch từ xa là một trong những điểm mới của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu rất cụ thể nên Bộ Công thương sẽ tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất để nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật./.

Bích Lan