QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 11/10/2022

11/10/2022

"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá..." là những thông tin nổi bật về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH trong ngày hôm nay (11/10/2022).

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 10/10/2022

* 8h00 ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho thấy, năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng. 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương, 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch được phục hồi mạnh mẽ; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, ước cả năm CPI tăng khoảng 4%, thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán; huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 34% GDP; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tăng ở mức cao. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phân tích rõ thêm phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của các thành tích, trong đó đề cập tới vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ, chính quyền các cấp, vai trò của đổi mới thể chế, giám sát, cải cách thủ tục hành chính, sự năng động của các ngành, các địa phương, người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 11/10: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

* Tiếp tục chương trình Phiên họp 16, chiều ngày 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành và tên gọi của dự thảo nghị quyết, đồng thời giao Ban soạn thảo sửa chữa về mặt kỹ thuật để cho phù hợp với bố cục văn bản trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Về những nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ nhất trí theo Dự thảo Nghị quyết quy định Biển số đưa ra đấu giá là biển số cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen) và nhất trí áp dụng mức giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời bổ sung quy định thực hiện khi chỉ có 1 người tham gia đấu giá…

Về Quy định sử dụng đấu giá, theo giải trình của Bộ Công an, thời gian thí điểm đấu giá biển số ô tô là 3 năm, nhưng cần nghiên cứu có điều khoản chuyển tiếp theo hướng có lợi, tạo sự hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 11/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ

* Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp 16, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS & MN giai đoạn 2021 – 2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc. Đây là chương trình mới, khó, yêu cầu phải ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được bước đầu, ghi nhận và chia sẻ nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành đã phối hợp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ở trung ương cũng như địa phương để thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, đưa ra những cơ chế, giải pháp để đôn đốc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phân bổ vốn, tăng cường kiểm tra giải ngân. Đồng thời lưu ý rà soát kỹ cơ chế điều phối của Chương trình, việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán, khả thi, tránh dàn trải nguồn lực, đảm bảo tính khả thi của địa phương trong thực hiện đối ứng vốn.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương sơ kết đánh giá một năm việc triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời, rà soát lại một số nội dung cơ chế, chính sách đã ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp. Đề ra tiến độ thời gian cụ thể phương án phân bổ số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT CHIỀU 11/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

* Tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp đột phá đối với 04 vấn đề cấp thiết trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị bổ sung các nhân tố cần thiết, quan trọng khác góp phần tạo nên thành tựu, đó là sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, tích cực của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng, đồng thuận của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế... Đồng thời, đề nghị Chính phủ đã bám sát quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị: không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra... Định hướng này chắc chắn vẫn còn phù hợp trong bối cảnh năm 2023 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn nữa nguyên nhân khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp đột phá đối với 04 vấn đề gồm: chưa đạt chỉ tiêu không đạt là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; vấn đề kết nối của doanh nghiệp trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, tìm lối ra cho việc tận dụng đầu tư nước ngoài để phát triển doanh nghiệp trong nước; giải pháp cải thiện chất lượng FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: CẦN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ VỚI 04 VẤN ĐỀ CẤP THIẾT TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

* Tại phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tán thành với nội dung Báo cáo về kinh tế - xã hội, ghi nhận báo cáo được thể hiện tương đối toàn diện, có nhiều điểm mới, cân đối các lĩnh vực. Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh cần phân tích, làm rõ những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội để tiếp tục phát huy.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong bối cảnh hết sức khó khăn cả về quốc tế và trong nước của năm 2022, nước ta đã thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với những kết quả rất tốt với 13 kết quả nổi bật nêu trong báo cáo, vượt 6 chỉ tiêu, đạt 8 chỉ tiêu, chưa đạt 1 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do tác động nhiều mặt cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt là GDP tăng cao, dự kiến là tăng 8% và có thể hơn.  Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thu ngân sách tăng cao, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, niềm tin vào đời sống của Nhân dân thì tăng lên. Nhất trí với 6 điểm nêu tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nêu như báo cáo là đầy đủ, khái quát và cũng rất nghiêm túc.

Về các bài học kinh nghiệm viết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nhấn mạnh bài học trong phòng, chống dịch bệnh. Đã có lúc phải chấp nhận hy sinh kinh tế ở một mặt nào đó để phòng, chống dịch, nhưng sau đó chúng ta đã chuyển trạng thái và thực hiện mục tiêu kép rất tốt, đã có Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và Ban Chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế gắn với nhau, tránh tình trạng vì chống dịch mà hạn chế kinh tế, ngược lại cũng tránh vì kinh tế mà lại bỏ qua chống dịch. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đây là một bài học rất tốt.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: QUYẾT SÁCH, ĐIỀU HÀNH CHƯA BAO GIỜ CẤP BÁCH MÀ GẮN BÓ NHƯ BÂY GIỜ

* Cho ý kiến về các báo cáo về tình hình KT-XH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong bối cảnh lịch sử, chưa từng có nhưng với sự chủ động, đồng hành vào cuộc, sự nhạy bén, quyết đoán và quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Chính phủ đã có những quyết đáp lịch sử trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế, để từ đó Việt Nam đạt kết quả rất ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2022.

Đánh giá tình hình của năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong năm, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, rất chủ động, tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ. Nhiều nội dung Quốc hội đã rất chủ động đề nghị với Chính phủ trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và và những nội dung liên quan kinh tế - xã hội. Nếu như trước đây,  thông thường phải đợi Chính phủ trình sang rồi Quốc hội mới xem xét thì nay có những vấn đề liên quan đến quốc tế, dân sinh, đến phục hồi phát triển kinh tế, những vấn đề thực tiễn nổi lên thì Quốc hội đã chủ động có những văn bản để đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền.

Có chung đánh giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết với những đặc thù của năm 2022, nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với những kết quả rất tốt, với 13 kết quả nổi bật, vượt 6 chỉ tiêu, đạt 8 chỉ tiêu, chưa đạt 1 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do tác động nhiều mặt trong nước và quốc tế; đặc biệt là GDP tăng cao, dự kiến là tăng 8%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, thu ngân sách tăng cao, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, niềm tin vào đời sống của Nhân dân thì tăng lên. Nhất trí với các tồn tại, hạn chế báo cáo đã nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng Báo cáo đã bảo đảm tương đối đầy đủ, khái quát và rất nghiêm túc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: ĐÁNH GIÁ LÀM RÕ BÀI HỌC VỀ ĐỒNG HÀNH, GẮN BÓ TRONG PHỐI HỢP CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRONG BỐI CẢNH CHƯA TỪNG CÓ

* Sáng 11/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, cho ý kiến về các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh kết quả đạt được còn một số bất cập, tồn tại cố hữu trong nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện. Do đó, báo cáo cần bổ sung làm rõ hơn tình hình; đồng thời theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách tế để có giải pháp cụ thể, hiệu quả...

Cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu báo cáo cần phản ánh một cách rất thực tiễn, khách quan, “không tô hồng cũng không bôi đen”. Bởi nếu tô hồng quá nhiều không nói thực tế ở địa phương, cơ sở thì đó là chưa cầu thị, chưa phản ánh đúng thực tế và ngược lại, nếu bôi đen quá thì cũng không được.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần phải nói thêm về tồn tại, khó khăn về việc giải gần vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, việc triển khai Nghị quyết 43 về gói kích thích kinh tế về tài khóa, tiền tệ rất chậm, nhất là về tiền tệ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết trong đó thống nhất bù lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp để kích thích cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên thực tế hiện nay lại ngược lại. Lãi suất vay của ngân hàng có những gói doanh nghiệp phải vay tới 15%. Cùng với việc siết room tín dụng thì một số doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, các báo cáo này sẽ được trình bày công khai trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp để người dân được biết. Do đó ngoài để thảo luận trong Quốc hội thì các báo cáo còn có tính chất tuyên truyền và tạo cảm hứng cũng như tạo sự quan tâm, sự động viên, khích lệ Nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, các lực lượng toàn xã hội...

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022 “KHÔNG TÔ HỒNG, KHÔNG BÔI ĐEN” VÀ CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ

* PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận những vấn đề rất quan trọng, cụ thể hoá toàn bộ những nội dung cốt lõi và những vấn đề lớn nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ quan trọng, trọng yếu. Thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng vào cuộc sống bằng chính sách, pháp luật.

Trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X, Hội nghị Trung ương lần này đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.

Trả lời phỏng vấn của Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức Đảng.

PGS.TS VŨ VĂN PHÚC: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ LÀ NHIỆM VỤ TRỌNG YẾU, THƯỜNG XUYÊN

* Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Đóng góp ý kiến về dự án luật này, Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đất đai cũng như chú trọng đến quyền được tiếp cận các thông tin liên quan đến đất đai của người dân.

Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho rằng Luật Đất đai là bộ luật có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng, tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ là kim chỉ nam quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội.

Để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), tại lần sửa đổi này cần chú trọng đến việc giải quyết các vướng mắc thủ tục hành chính tiến tới đơn giản hoá các thủ tục hành chính về đất đai như: thủ tục cấp mới, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nghiêm chỉnh về thời hạn xử lý hồ sơ cấp đất và có các chế tài xử lý sai phạm mạnh tay hơn; thủ tục khiếu nại, giải quyết tranh chấp về đất đai… Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề nhà nước cho doanh nghiệp thuê đất, tăng khả năng tiếp cận đất cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư về đất cũng như tạo đà phát triển kinh tế xã hội.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ GIANG HỒNG THANH: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẾN QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI CỦA NGƯỜI DÂN

* Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng dự luật, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) không chỉ tiến hành tổng kết thi hành Luật Giá hiện hành, đánh giá tác động chính sách trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi),… mà còn tiến hành nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.

Theo Bộ Tài chính, thông qua việc khảo sát, thu thập, đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá của một số quốc gia trên thế giới cho thấy hầu hết giá cả các hàng hóa dịch vụ đều vận động theo cơ chế giá thị trường; Chỉ có một số ít giá hàng hóa dịch vụ có sự quản lý điều tiết của Nhà nước, chủ yếu là các mặt hàng quan trọng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu, giá khí, sản phẩm dịch vụ công ích... với nguyên tắc đầu tiên là bù đắp được các chi phí thực tế phát sinh và mức lợi nhuận phù hợp; Nhà nước sẽ không bù lỗ và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước thực hiện công tác quản lý giá tại các mức độ nhất định thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô (tài chính, tiền tệ, đầu tư, xuất nhập khẩu…) cũng như chính sách pháp luật về giá.

Bộ Công thương cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các nước đều trong xu hướng tự do hóa giá cả, theo đuổi mô hình kinh tế thị trường; cùng với đó việc kiểm soát, quản lý giá của Chính phủ cũng được thay đổi theo hướng giảm dần sự can thiệp trực tiếp của nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường mà chuyển sang các hình thức gián tiếp hơn bằng các công cụ tài chính, cạnh tranh, thuế,…Tuy nhiên, cho đến hiện nay, thực tế cho thấy một tất yếu là dù là quốc gia nào với chế độ chính trị khác nhau, chiến lược phát triển kinh tế khác nhau thì đều hướng tới việc thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước về giá ở các mức độ khác nhau ...

Xem nội dung chi tiết tại đây: SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

* Trong ngày hôm nay (11/10), nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri, hội nghị lấy ý kiến và nhiều hoạt động thiết thực khác để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sắp tới:

- Sáng 11/10, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị do Đoàn ĐBQH tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh tổ chức để nghe báo cáo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường kỳ cuối năm). Báo cáo một số hoạt động từ sau Kỳ họp thứ 3 đến nay, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho biết: Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương lấy ý kiến góp ý một số dự án luật Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4; tổ chức khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”; khảo sát, làm việc phục vụ thẩm tra các dự án luật sửa đổi.

- Sáng 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị thảo luận, lấy ý kiến đối với Luật Đất đai sửa đổi. Đồng chí Phạm Hùng Thắng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí ĐBQH tỉnh; lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh các vấn đề đang có nhiều ý kiến khác nhau được Chính phủ báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến như: Việc mở rộng hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.

- Ngày 11/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tiếp tục có các buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV tại các huyện Hồng Dân, Phước Long và Tx.Giá Rai. Tại các điểm tiếp xúc, sau khi nghe đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu thông tin đến cử tri về thời gian, nội dung chương trình của kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri các xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân; xã Phong Thạnh Đông; Tx.Giá Rai; xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long đều phản ánh các vấn đề liên quan đến giao thông nông thôn nhiều nơi xuống cấp, việc thi công lộ giao thông, cầu giao thông nông thôn cần được đầu tư đồng bộ. Vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thu nhập của người nông dân bấp bênh do giá bán nông sản không tăng khiến đời sống gặp khó khăn; vấn đề điều tiết nước cần phải phù hợp, hài hòa cho sản xuất lúa và tôm.

- Ngày 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An do đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và đại biểu Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ với đồng bào bị thiệt hại do lũ quét ở xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Đoàn đã trao 100 suất quà, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho 100 hộ gia đình đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng lũ quét ở xã Tà Cạ. 500 triệu đồng nói trên là của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ từ sự kêu gọi, vận động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

- Ngày 11/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và UBND các phường, xã. Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như: chỉ thực hiện luật tại các doanh nghiệp nhà nước; thống nhất, làm rõ các khái niệm công dân, người dân, bổ sung đối tượng người lao động thực hiện dân chủ cơ sở tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, hình thức công khai thông tin.

- Chiều 11/10, Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng, đơn vị Tổ 1 gồm các đại biểu: Nguyễn Tạo – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, K’ Nhiễu – Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tiếp xúc cử tri huyện Đức Trọng. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt nam tỉnh, đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương và đông đảo cử tri tham dự. Tại hội nghị, đông đảo cử tri các địa phương được ĐBQH K’ Nhiễu thông tin chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 sắp tới. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Đồng thời, Kỳ họp nghe giải trình của các bộ, ngành Trung ương những vấn đề mà cử tri kiến nghị. 

Bùi Hùng