ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH KHẢO SÁT XÂY DỰNG NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

11/10/2022

Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã gửi đến Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

TỔNG THUẬT CHIỀU 11/10: UBTVQH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ

HÀ TĨNH: TRIỂN KHAI KỊP THỜI, KỸ LƯỠNG CÁC NỘI DUNG CHUẨN BỊ CHO KỲ HỌP CỦA QUỐC HỘI VÀ HĐND TỈNH

Chiều 11/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp Công an tỉnh tổ chức làm việc tại Phòng Cảnh sát giao thông về khảo sát xây dựng Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia và Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Đoàn tiến hành khảo sát thực tế tại bộ phận một cửa của Phòng Cảnh sát giao thông về thực hiện công tác đăng ký, cấp biển số xe.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Trước đó, ngày 5/10/2022, Chính phủ đã ban hành Tờ trình số 371/TTr-CP - Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Mục đích của việc ban hành dự thảo Nghị quyết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá; khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước...

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước, quản lý và sử dụng tiền thu được từ đấu giá; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá; điều khoản thi hành.

 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nói trên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu sâu về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá; việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá; thời hạn thực hiện thí điểm…

Tại buổi làm việc, đại biểu được nghe báo cáo công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thượng tá Phan Hồng Thái - Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Hà Tĩnh) báo cáo công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Thời gian qua, Bộ Công an và Công an tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai mua sắm đầy đủ cơ sở vật chất; kết nối đường truyền mạng nội bộ cho 107 điểm đăng ký xe mô tô ở công an cấp xã, 14 điểm đăng ký xe ô tô và mô tô ở cấp phòng, huyện; phân công, bố trí lực lượng thực hiện công tác đăng ký, cấp biển số xe ở 3 cấp công an (tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn Hà Tĩnh.

Công an tỉnh Hà Tĩnh đã và đang phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an giải quyết vấn đề liên quan để kết nối, sử dụng hiệu quả dữ liệu điện tử, tiến tới thực hiện đăng ký xe không sử dụng hồ sơ giấy, thực hiện đăng ký online nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính.

Thiếu tá Võ Thị Quỳnh Giang - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, chủ trương thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm nắm bắt nhu cầu của người dân; tăng thu cho ngân sách Nhà nước; công khai, minh bạch trong công tác cấp biển số.

Từ ngày 1/1/1991 đến nay, Công an Hà Tĩnh đang quản lý 63.955 xe ô tô và 787.966 xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Công tác đăng ký, quản lý xe đã thể hiện được vị trí, vai trò đối với công tác quản lý nhà nước về ANTT như: xác định chính xác quyền sở hữu đối với phương tiện cho tổ chức và cá nhân, bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp; phục vụ quản lý Nhà nước về ANTT, phát hiện được tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật lợi dụng phương tiện giao thông để hoạt động; phát hiện thiếu sót của bộ, ngành liên quan đến việc đăng ký, quản lý phương tiện để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn: Nếu chỉ có một người đấu giá thì không nên tổ chức đấu giá; khi đã đấu giá rồi thì cần quy định cho chuyển nhượng biển số đã đấu giá; bổ sung quy định khi không tiếp tục thí điểm thì xử lý những biển số đã đấu giá.

Trao đổi tại buổi làm việc, các đại biểu đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, từ đó, đại biểu thống nhất cao việc đấu giá biển số xe ô tô là phù hợp thực tiễn.

Đại biểu đề nghị chỉ thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; cần đưa tất cả biển số lên cổng thông tin điện tử để người dân có nhu cầu biển số nào thì đấu giá biển số đó; thời hạn thực hiện thí điểm 2 năm và cần tổng kết thí điểm Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung những điều chưa phù hợp; quy định rõ “nhiều người đấu giá” là bao nhiêu người; sau bao nhiêu ngày thì người trúng đấu giá có biển số đã đấu; khi người trúng đấu giá bỏ cọc thì biển đã đấu giá có đưa vào kho bấm ngẫu nhiên hay tiếp tục đấu giá biển số.

Đại tá Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần xác định rõ biển số nào được đưa ra đấu giá; giá đấu giá biển số xe phải bằng phí, lệ phí đăng ký; quy định rõ thời gian, số lượng biển một lần đấu giá...

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định giảm bớt thời gian kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá là 6 tháng thay vì 12 tháng để tránh tình trạng đầu cơ biển số; quy định rõ mỗi bước giá là bao nhiêu tiền. Đề nghị xem xét lại quy định “doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá” vì sẽ gặp nhiều vướng mắc trong công tác quản lý.

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Trật tự ATGT đường bộ để bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người tham gia giao thông; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn bất cập.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia tiếp thu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự. Đồng thời, tiếp thu, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết.

Những ý kiến, kiến nghị sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội và các cơ quan hữu quan xem xét, giải quyết.

(Theo Báo điện tử Hà Tĩnh)