SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

11/10/2022

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Giá (sửa đổi). Trong quá trình xây dựng dự luật, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) không chỉ tiến hành tổng kết thi hành Luật Giá hiện hành, đánh giá tác động chính sách trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi),… mà còn tiến hành nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này.

 

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội  khóa XV sẽ cho ý kiến về Dự án Luật Giá (sửa đổi)

Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá

Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự kinh tế; Qua đó, tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo cơ chế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm sự điều tiết của Nhà nước về giá chủ yếu bằng các biện pháp gián tiếp vĩ mô phù hợp với các cam kết quốc tế.

Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Mục đích xây dựng Luật Giá (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, theo đó Luật giá phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý nhà nước; xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.

Đồng thời, khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật giá với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế; đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Dự thảo Luật giá (sửa đổi) Chính phù trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tời đây,  gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Hầu hết giá cả các hàng hóa dịch vụ đều vận động theo cơ chế giá thị trường

Theo Bộ Tài chính, thông qua việc khảo sát, thu thập, đánh giá về công tác quản lý, điều hành giá của một số quốc gia trên thế giới cho thấy hầu hết giá cả các hàng hóa dịch vụ đều vận động theo cơ chế giá thị trường; Chỉ có một số ít giá hàng hóa dịch vụ có sự quản lý điều tiết của Nhà nước, chủ yếu là các mặt hàng quan trọng thiết yếu như giá điện, giá xăng dầu, giá khí, sản phẩm dịch vụ công ích... với nguyên tắc đầu tiên là bù đắp được các chi phí thực tế phát sinh và mức lợi nhuận phù hợp; Nhà nước sẽ không bù lỗ và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Nhà nước thực hiện công tác quản lý giá tại các mức độ nhất định thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô (tài chính, tiền tệ, đầu tư, xuất nhập khẩu…) cũng như chính sách pháp luật về giá.

Một số quốc gia ban hành những luật quản lý giá chung: Đến nay, đã có nhiều quốc gia ban hành luật có nội dung điều chỉnh trong lĩnh vực giá như Trung Quốc ban hành Luật giá năm 1997; Thái Lan ban hành Đạo Luật cạnh tranh trong kinh doanh 1999; Hàn Quốc ban hành Luật Bình ổn giá cuối năm 1975; Austrailia ban hành Đạo Luật kiểm soát giá cả năm 1983; Malaysia ban hành Đạo luật kiểm soát giá cả năm 1946; Singapore ban hành Đạo luật Kiểm soát giá năm 1950. Một số đạo luật về giá chỉ thực hiện trong những thời điểm nhất định, tuy nhiên, đa số các đạo luật vẫn đang được thi hành cùng với những sửa đổi, bổ sung phù hợp trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Các biện pháp quản lý giá thường được áp dụng tại các nước này bao gồm: định giá, hướng dẫn tính giá một số loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu, quan trọng; thực hiện bình ổn giá như điều hòa cung cầu, kiểm soát yếu tố hình thành giá, thúc đẩy cạnh tranh, thông tin về giá; xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về giá; áp dụng chính sách lạm phát mục tiêu.

Một số quốc gia chỉ ban hành chính sách quản lý giá riêng đối với mặt hàng cụ thể: Đối với hầu hết các quốc gia khác, hệ thống pháp luật về giá sẽ được xây dựng đối với từng mặt hàng cụ thể; tùy thuộc vào nhu cầu quản lý giá các mặt hàng của các nước đó.

Kinh nghiệm một số nước

Bộ Tài chính cũng cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, các nước đều trong xu hướng tự do hóa giá cả, theo đuổi mô hình kinh tế thị trường; cùng với đó việc kiểm soát, quản lý giá của Chính phủ cũng được thay đổi theo hướng giảm dần sự can thiệp trực tiếp của nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường mà chuyển sang các hình thức gián tiếp hơn bằng các công cụ tài chính, cạnh tranh, thuế,…Tuy nhiên, cho đến hiện nay, thực tế cho thấy một tất yếu là dù là quốc gia nào với chế độ chính trị khác nhau, chiến lược phát triển kinh tế khác nhau thì đều hướng tới việc thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước về giá ở các mức độ khác nhau bởi cần khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường (như độc quyền tự nhiên, công ích) và sự khác nhau này được tạo bởi điều kiện hạ tầng kinh tế-chính trị-xã hội của mỗi quốc gia là khác nhau nên sẽ phải lựa chọn chính sách quản lý giá đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển quốc gia trên nhiều khía cạnh. Bên cạnh đó, việc nhà nước quản lý, bình ổn giá cũng được quy định trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh…dẫn đến khủng hoảng, bất ổn giá cả thị trường gây mất trật tự an toàn, an sinh xã hội.

Theo Bộ Tài chính, Luật quản lý giá ở Việt Nam và các nước nhìn chung không có những khác biệt lớn đối với những mặt hàng do Nhà nước quản lý, điều tiết. Điển hình như Trung Quốc với đặc điểm kinh tế tương đồng như Việt Nam đã có những bước tiến giảm đáng kể trong việc kiểm soát giá tuy vẫn giữ các Bộ Luật về quản lý giá và Chính phủ vẫn quản lý giá các mặt hàng như khí đốt, xăng dầu.

Kinh nghiệm từ quản lý giá tại Hàn Quốc đã thể hiện nhu cầu phải có Hội đồng có thẩm quyền lớn để quy định những phương hướng và chỉ dẫn đối với công tác bình ổn giá.

Tuy Nhật Bản không có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng chính sách qua giá, chúng ta có thể học hỏi về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội thông qua các quỹ phúc lợi của quốc gia này để hỗ trợ giá cho người tiêu dùng; đồng thời cần phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu về giá; công khai, minh bạch chính sách điều hành.

Trong công tác quản lý giá điện ở Việt Nam có thể học hỏi mô hình điều tiết giá điện tại Mỹ đang được kết hợp giữa mô hình kiểm soát độc quyền với mô hình cạnh tranh. Có thể áp dụng những biện pháp để kiểm soát nguồn cung, quy hoạch diện tích nuôi trồng, quản lý giá sữa,… của Na Uy, đảm bảo giữ giá ở mức có lợi nhuận cho người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 biến động phức tạp, nhu cầu một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thuốc, vật tư y tế có thể tăng cao trong giai đoạn bùng phát dịch đẩy giá cả hàng hóa những mặt hàng này tăng cao nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Những kinh nghiệm của Mỹ và Singapore về xây dựng chế tài đối với hành vi nâng giá cơ hội, lợi dụng nhu cầu tăng đột biến và tình trạng khan hiếm tạm thời về nguồn hàng để tăng giá trục lợi có thể được nghiên cứu xem xét hoàn thiện cơ chế bình ổn giá trong thời kỳ dịch bệnh./.

Lê Anh

Các bài viết khác