ĐOÀN ĐBQH TỈNH VĨNH PHÚC LẤY Ý KIẾN THAM GIA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

11/10/2022

Sáng 11/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.

VĨNH PHÚC: CỬ TRI HUYỆN VĨNH TƯỜNG ĐỀ NGHỊ TĂNG PHỤ CẤP CHO GIÁO VIÊN, CÁN BỘ Y TẾ DỰ PHÒNG

HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Phó trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh Khánh Linh

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gồm 7 chương, 80 điều. Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các đại biểu tập trung góp ý về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; bố cục; giải thích từ ngữ; điều kiện giao dịch chung và hợp đồng theo mẫu; các hành vi bị cấm của dự thảo luật cũng như trách nhiệm của các tổ chức xã hội, Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; địa vị pháp lý của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh…

Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật nào có liên quan.

Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định phân công rõ đầu mối, nhiệm vụ cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.

Về bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng, các đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng, tránh phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.

Trong dự án luật cần quy định rõ hơn về sự cần thiết phải có sự đồng ý của người tiêu dùng khi cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lưu trữ, trao đổi trong giao dịch thương mại điện tử. Việc làm này để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng khi có bên thứ 3 sử dụng thông tin của họ không đúng mục đích…

Kết luận hội nghị, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và sẽ gửi đến tới các cơ quan soạn thảo luật của Quốc hội để hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Vĩnh Phúc)